Trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc tay chân miệng nhiều nhất.
Ngày 2/2, Bộ Y tế cho biết, hiện Viện Pasteur TP HCM ghi nhận một số ca mắc mới bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Trong đó có một trẻ 19 tháng tuổi ở Trà Vinh tử vong do bệnh tay chân miệng.
Bệnh nhi khởi phát bệnh ngày 23/1/2017, nhập Bệnh viện Sản nhi Trà Vinh ngày 26/1/2017 với chẩn đoán ban đầu viêm phế quản/tiêu chảy cấp. Bệnh nhi tử vong ngày 28/1/2017 với chẩn đoán Tay chân miệng độ 4 trên nền của bệnh nhân Viêm cơ tim. Bé trai 19 tháng tuổi sau 5 ngày khởi phát bệnh tay chân miệng đã không thể qua khỏi.
Bộ Y tế cho biết, đây là ca tử vong do bệnh tay miệng đầu tiên được ghi nhận trong năm 2017. Tích lũy từ đầu năm cả nước ghi nhận hơn 1.600 ca mắc tay chân miệng tại 55 tỉnh thành. Tích lũy từ đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 1.677 bệnh nhân.
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo dịch tay chân miệng đang vào mùa. Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng lợi lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
Các chuyên gia y tế lo ngại bệnh tay chân miệng sẽ bùng phát bởi đây căn bệnh chưa có vắc xin điều trị, nếu trẻ nhỏ bị mắc mà không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh tay chân miệng có thể điều trị ngoại trú được nếu ở mức độ nhẹ. Khi bị vi rút tay chân miệng, thông thường tổn thương trong miệng là chủ yếu. Vì vậy phụ huynh nên cho trẻ súc miệng, uống nhiều nước, dùng các thuốc sát khuẩn và giảm đau bôi vào miệng trước khi cho trẻ ăn khoảng 30 phút để trẻ thấy dễ chịu khi ăn. Bên cạnh đó, nên cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, không quá nóng và cũng không quá lạnh.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo trong dịp giao mùa này các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên như hắt hơi sổ mũi ở trẻ chủ yếu do virus (chiếm tới 80%) vì thế nếu cha mẹ tự ý mua thuốc dùng sẽ không hiệu quả, đặc biệt là thuốc kháng sinh, chỉ tăng thêm tình trạng kháng thuốc ở trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần đảm bảo thức ăn cho trẻ đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.
Trường hợp trẻ bị bệnh tay chân miệng phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.