Đã thành phong tục từ nhiều đời nay ở đảo Hà Nam, cứ ngày mùng 7 Tết, các cụ Thượng được gia đình và dòng họ tổ chức rước và dâng lễ lên miếu Tiên Công cáo yết. Tín ngưỡng thờ Tiên Công được thể hiện qua những sinh hoạt như chạp tổ, lễ ra cỗ họ, nghi lễ chúc thọ, rước thọ, cúng, tế Tiên Công và nghi lễ đắp đê, đấu vật. Lễ hội Tiên Công là sự cúng tế các vị tiền hiền khai khẩn, một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt ở đảo Hà Nam, Quảng Yên.
Lễ hội Tiên Công được tổ chức hàng năm nhằm nhắc nhở mọi người về sự tôn kính những người lớn tuổi, trân trọng những kinh nghiệm mà họ đã có để truyền lại cho con cháu. Đây cũng là sinh hoạt văn hóa cộng đồng của những cư dân nội đồng nói chung đồng thời gắn liền với lễ hội Tiên Công - tín ngưỡng thờ Tiên Công ở vùng đảo Hà Nam nói riêng.
Ngay từ 4 giờ sáng mùng 7 Tết, các gia đình, dòng họ có cụ Thượng đã chuẩn bị khởi hành đoàn rước
Trưởng họ là người có quyền điều hành và quyết định mọi việc từ khâu chuẩn bị đến khi công việc hoàn thành. Trong khi đó, các cụ Thượng chỉ việc ung dung ngồi chờ đến giờ con cháu rước lên miếu Tiên Công
Đi đầu đoàn rước là ba người đóng giả các chú tễu múa gậy, múa quạt làm nhiệm vụ dẹp đường. Tiếp sau là đội múa rồng, lân và đội trống.
Đi sau đoàn trống cà rồng là hai hàng cờ ngũ sắc do năm nam thanh niên đầu quấn khăn đỏ, lưng áo thắt đai (khăn xanh) hoặc năm nữ thanh niên, đầu vấn tóc mặc áo dài tứ thân, tay giương cao cờ ngũ sắc để điều hành đoàn rước. Vì các đường làng chật kín người xem rước, nên các đoàn rước cụ Thượng phải nhìn cờ của nhau để điều chỉnh đi nhanh hay chậm. Đoàn rước cụ Thượng đi sau cứ nhìn cờ đoàn đi trước mà điều chỉnh đoàn rước của mình.
Võng đào của cụ Thượng đi liền sau chữ Thọ, võng đào được tết bằng các sợi dây đay nhuộm màu đỏ, võng được trải vải sa tanh, vải lụa hoặc vải nhiễu in hình chữ Thọ, hai đầu võng được mắc vào một đòn rồng sơn son thếp vàng do bốn thanh niên khiêng và một thanh niên đi bên cạnh che lọng, bên kia là một cháu (chắt) nội trai của cụ Thượng mang điếu theo hầu.
Cụ Thượng mặc áo sa tanh xanh, đỏ hoặc vàng có thêu trang trí nhiều chữ Thọ trên áo. Có cụ không thích ngồi, nằm trên võng thì có thể đi bộ cùng đoàn rước, nhưng phải có người che lọng. Con cháu cụ Thượng cùng với gia tộc mặc quần áo đẹp, đưa cụ Thượng lên miếu lễ Tiên Công.
Các đoàn rước đi từ khắp các ngả đường làng rồi đều tập trung về miếu Tiên công trong cùng một ngày, cùng thời điểm.
Khách du xuân từ khắp nơi đổ về cũng hòa mình vào “lễ hội đường phố”.
Trong miếu là nơi tiến hành các nghi lễ và để các cụ Thượng vái lễ Tiên Công.