Dân Việt

Tên lửa Iran thử để gây chú ý Trump có nguồn gốc từ Triều Tiên?

Minh Anh 06/02/2017 09:56 GMT+7
Vào hôm 29.1, Iran đã phóng thử một loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới từ tỉnh Semnan. Loại vũ khí này đã phát nổ trên không trung sau khi bay được khoảng 1000km, tuy nhiên, cũng đủ để gây sự chú ý đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người khẳng định rằng, Washington sẽ đặc biệt để mắt đến mọi động thái của Iran.

Không ai biết rõ loại tên lửa mới của Iran có thể tạo ra sự đe dọa như thế nào với Mỹ và đồng minh. Fox News cho rằng, Iran đã thử nghiệm một tên lửa BM-25 Musudan, được phát triển dựa theo công nghệ từ tên lửa R-27 Zyb do Liên-xô thiết kế và nhập khẩu từ Triều Tiên. Trong khi đó, vào hôm 1-2, một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ lại phán đoán rằng, đây có thể là một phiên bản mới của tên lửa Shabab, xây dựng dựa theo công nghệ tên lửa cũ hơn của Triều Tiên.

Với sự mơ hồ về nguồn gốc loại tên lửa mới, trang 38 North đã đặt ra 4 giả thiết liên quan đến loại tên lửa mới thử nghiệm của Iran.

Khả năng thứ nhất là Iran vừa thử nghiệm một tên lửa tầm trung Shahab-3, dựa theo tên lửa Nodong của Triều Tiên. Từng được phóng thử lần đầu tiên bởi Iran vào năm 1998, loại  vũ khí này có tầm bắn 950km và mang đầu đạn nặng 1000kg. Iran đã tạo ra biến thế mới của Shahab-3 có tên Ghadr và gần nhất là Emad, với đầu đạn 750kg nhưng tầm bắn đã được tăng lên 1.600km. Emad vẫn có hình dạng giống với Ghadr nhưng được bổ sung thêm vây cánh để tên lửa chuyển được hướng trong giữa hành trình bay.

img

Tên lửa Shabah-3

Khả năng thứ 2 là Iran đã thử nghiệm biến thể mới của tên lửa Shahab-2, dựa theo dòng tên lửa Scud-C mà Iran đã nhập khẩu từ Triều Tiên vào cuối những năm 1980 và đầu 1990, có tên Qiam. Tất cả các phiên bản của Scud-C đều có tầm bắn lớn nhất khoảng 700km, tức là ngắn hơn mức 1000km mà tên lửa mới vừa bay được. Tuy nhiên, Triều Tiên từng ra mắt loại tên lửa Scud có đường kính 1m vào mùa hè năm 2016, có khả năng đạt đến tầm bắn 1000km. Không có bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên mới bán loại tên lửa này sang cho Iran, tuy nhiên, việc tự tạo ra một biến thể giống của Triều Tiên dường như nằm trong khả năng công nghệ của Iran.  

img

Tên lửa Shahab-2 được xây dựng dựa theo Scud-2

Thứ 3, cuộc thử nghiệm gần đây có thể là của loại tên lửa nhiên liệu rắn Sajjil do Iran tự phát triển nhưng chưa từng phóng bất kì lần nào từ năm 2011. Tên lửa này chỉ có một tầng và có tầm bắn 1000km, đủ để vươn tới các nước Ả-Rập hay căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực.

img

Tên lửa Sajjil của Iran

Khả năng cuối  cùng đó là Iran vừa thử nghiệm loại tên lửa giống với Musudan của Triều Tiên, tuy nhiên, đây là giả thuyết ít tiềm năng xảy ra nhất vì nhiều lí do. Đầu tiên là Musudan có tầm bắn 3000km, tức là được xếp vào loại tên lửa tầm trung mở rộng (IRBM) chứ không phải loại tầm trung thông thường (MRBM) như Mỹ phán đoán.

Ngoài ra, Musudan là tên lửa mà Triều Tiên đã thất bại trong 7 trên 8 lần thử nghiệm, trong khi loại tên lửa mới của Iran lại có thể bay tới 1000km trước khi phát nổ. Điều này là rất khó giải thích ngay cả khi Iran tìm ra được cách phát triển tốt hơn. Cuối cùng, nếu đây là tên lửa Musudan, Iran hoàn toàn có thể cho nó bay hơn 1000km để kiểm tra mọi tính năng do có đầy đủ đường bay bên trong lãnh thổ nước này.

img

Iran được cho là từng mua một số tên lửa BM-25 Musudan từ Triều Tiên

Vì sao việc xác định loại tên lửa Iran mới thử nghiệm là vô cùng quan trọng?

Việc xác định loại tên lửa Iran đang thử nghiệm sẽ cho thấy mục tiêu phát triển tên lửa của nước này.

Nếu tên lửa mới được dựa theo Shahab-3 hay công nghệ tên lửa Nodong có nguồn gốc từ Triều Tiên, thì Iran đang giữ cấu trúc phát triển tên lửa theo hướng họ đã theo đuổi trong hàng chục năm qua, trong đó tập trung vào độ chính xác và khả năng hữu dụng.

Nếu cuộc thử nghiệm vừa qua có liên quan đến loại tên lửa Scud đường kính 1m hoặc tên lửa một tầng Sajjil thì nó cho thấy Iran đang tập trung vào việc đa dạng hóa kho vũ khí của mình và tăng cường sự linh hoạt trong vận hành. Sự phát triển loại tên lửa Scud cỡ lớn cũng có thể là minh chứng cho thấy Iran đang hợp tác với Triều Tiên. 

Cuối cùng, nếu Iran đang muốn áp dụng công nghệ động cơ của tên lửa Musudan, điều này không chỉ chứng minh mối quan hệ với Triều Tiên mà còn tiết lộ việc nước này đang tập trung vào loại tên lửa chở trên xe phóng và có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.