Dân Việt

Xóa không xuể đường ngang dân sinh

Vinh Hải 07/02/2017 06:22 GMT+7
“Xóa bỏ toàn bộ lối đi dân sinh hiện hữu” là một trong các giải pháp mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đặt ra để kéo giảm tai nạn đường sắt, sau khi tình trạng tai nạn đường sắt tăng cao trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.

 Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hiện trên toàn mạng lưới đường sắt có 5.793 điểm giao cắt. Trong đó, đường ngang có 1.514 đường và đường dân sinh, lối đi dân sinh là 4.279 điểm. Số đường ngang chỉ có biển báo (chưa có người gác, cảnh báo tự động) vẫn còn khoảng 500 đường. Trong những năm gần đây tai nạn tại các điểm giao cắt đồng mức chiếm khoảng 85% tổng số vụ tai nạn đường sắt.

img

Một vụ tai nạn giao thông đường sắt tại Thường Tín, Hà Nội năm 2016.  Ảnh: V.H

Theo đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đến hết năm 2016, trên toàn tuyến đã xóa bỏ được 155 điểm giao cắt, lối đi dân sinh so với năm 2013. Đồng thời, đã triển khai lắp đặt cần chắn tự động tại 102/366 đường ngang cảnh báo tự động; lắp đặt động cơ điện cho cần chắn, giàn chắn tại 153/641 đường ngang có gác.

Sau yêu cầu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc xây dựng đường gom, lập chắn đường ngang để xóa bỏ toàn bộ lối đi dân sinh hiện hữu..., trao đổi với NTNN, ông Đoàn Duy Hoạch – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương cắm hơn 2.700 biển báo, cắm biển cấm phương tiện cơ giới ở 99 vị trí, thu hẹp lối đi dân sinh 689 lối. Trong năm 2016, ngành đường sắt đã lắp đặt rào chắn ở 300 đường ngang.... “Ngành đường sắt đã tăng lực lượng chốt ở các vị trí đường ngang, đường dân sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông nhưng vẫn không xuể, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các địa phương nơi có đường sắt đi qua” – ông Hoạch nói.