Dân Việt

Vụ cô gái giữa đường bị bắt làm vợ ở Nghệ An: Hủ tục cần xóa ngay

Thành An 06/02/2017 19:25 GMT+7
Đó là ý kiến của luật sư Đặng Huỳnh Lộc về việc nếu nhóm thanh niên ở xã Liên Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An) lợi dụng tục “bắt vợ” để ép cô gái đang đứng đón xe trên đường về làm “vợ”- sự việc đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng những ngày vừa qua.

Ngày 4.2 một video dài gần 3 phút, quay lại cảnh nhóm thanh niên "bắt vợ" mặc dù cô gái không đồng ý và khẩn thiết kêu cứu, gào khóc thảm thiết, giãy giụa khiến chiếc xe loạng choạng và sau đó bị ngã xuống đất.

Clip: Cô gái giữa đường bị bắt làm vợ ở Nghệ An

Cố gắng bỏ chạy, cô gái tiếp tục bị nhóm thanh niên đẩy lên xe máy. Sự việc chỉ dừng lại khi một số người vào can ngăn. Thoát được nhóm thanh niên, cô gái liền vùng chạy ngược lại.

Thông tin ban đầu từ Công an huyện Quỳ Hợp, Nghệ An cho biết, sự việc xảy ra vào chiều ngày 2.2 tại ngã ba xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Các nam thanh niên và cô gái trong clip là người ở xã Liên Hợp, Quỳ Hợp.

Sau khi clip đăng tải trên mạng xã hội, có ý kiến cho rằng đây là phong tục bắt vợ của đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, sự việc vấp phải ý kiến trái chiều cho rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật.

img

Hình ảnh nhóm thanh niên ở tỉnh Nghệ An “bắt vợ” gây nhiều bức xúc trên cộng đồng mạng thời gian vừa qua.

Về sự việc trên, luật sư Đặng Huỳnh Lộc, Trưởng Văn phòng Luật sư Huyền Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng,cần tìm hiểu kỹ phong tục “bắt vợ” của người dân sở tại, đồng thời cần làm rõ hành vi, mục đích của nhóm thanh niên bắt giữ cô gái mới có thể khẳng định những người thực hiện việc ép buộc cô gái lên xe chở đi có lợi dụng tục “bắt vợ” để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hay không cần phải xem xét động cơ và mục đích thực hiện hành vi này.

Theo luật sư Đặng Huỳnh Lộc, tục “bắt vợ” thực chất là một nghi lễ cưới hỏi của một số vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên những người lợi dụng “nghi lễ” này để bắt ép ngoài ý muốn của cô gái về làm vợ chẳng những trái đạo đức xã hội mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

“Nếu nhóm người này đã lợi dụng tục “bắt vợ” để bắt ép cô gái đang đứng đón xe trên đường về làm vợ thì phải được giáo dục, ngăn chặn về một hủ tục thiếu tiến bộ” - luật sư Đặng Huỳnh Lộc nhấn mạnh.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, bắt vợ là một phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, là một thủ tục "làm tắt" của những cặp đôi mà "tình trong như đã, mặt ngoài còn e” chứ không phải thích là "bắt", là "cướp", là "cưỡng" như nhiều người vẫn nghĩ. Hành vi lợi dụng phong tục "bắt vợ" để cưỡng ép kết hôn, bắt giữ người trái pháp luật là những hành vi biến tướng của phong tục này cần phải bị lên án và bị xử lý theo pháp luật.

Phong tục, tập quán không chỉ là nét văn hóa mà còn là quy tắc sinh hoạt động đồng. Phong tục cũng là những quy phạm có thể nâng lên thành luật, là nguồn của pháp luật. Khi không có luật điều chỉnh về một mối quan hệ, một vấn đề trong xã hội thì ưu tiên áp dụng phong tục, tập quán để giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội.

Tuy nhiên, khi đã có quy định pháp luật do Nhà nước ban hành, thừa nhận thì mọi công dân phải tuân thủ quy định pháp luật đó. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều cần bị phát hiện và xử lý nghiêm minh. Hiến pháp và pháp luật hiện hành bảo đảm và bảo vệ quyền tự do thân thể của công dân.

Để ngăn chặn hủ tục trên, các luật sư đều cho rằng, chính quyền địa phương cần giáo dục, ngăn chặn. Đặc biệt là việc tuyên truyền pháp luật dân sự, pháp luật về Hôn nhân gia đình sâu rộng đến người dân, nhất là những vùng đang tồn tại hủ tục “bắt vợ”. Nhà nước có chính sách, biện pháp tạo điều kiện để các công dân nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.