Cụ thể, trong ngày chủ nhật – 05/02 vừa qua, các hãng công nghệ nổi tiếng như: Google, Apple, Microsoft, Netflix, Twitter, Intel, eBay, Facebook,…và các nhà sản xuất khác như Levi Strauss (thương hiệu quần áo), Chobani (một hãng sữa chua) đã cùng đưa ra một văn bản pháp lý có nội dung phản đối lệnh cấm nhập cư tạm thời tới Tòa phúc thẩm khu vực số 9 (9th Circuit).
Cũng trong ngày chủ nhật vừa qua, Tòa án phúc thẩm số 9 đã từ chối yêu cầu ngay lập tức khôi phục lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền tổng thống Donald Trump. Phía tòa án sẽ tiến hành xem xét lại yêu cầu của Chính phủ sau khi nhận được thêm thông tin.
Sắc lệnh cấm nhập cảnh của tân Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng tới nền công nghệ.
Về cơ bản, văn bản trên dựa theo chế định Amicus Curiae (còn gọi là “Bạn của tòa án” – Friend of the Court: chỉ những người ngoài cuộc, không có lợi ích trực tiếp trong vụ tranh chấp, tự nguyện tham gia vào quá trình tố tụng để giúp cơ quan tài phán tìm hiểu tốt hơn những vấn đề chứng cứ và pháp lý có liên quan). Các hãng công nghệ nổi tiếng khẳng định lệnh cấm đang “gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Mỹ”.
Theo các hãng công nghệ này, sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump đã làm thay đổi các nguyên tắc đảm bảo sự công bằng và khả năng dự báo về vấn đề nhập cư vốn đã tồn tại ở Mỹ trong hơn 50 năm qua. Theo thống kê, những người nhập cư và con cái của họ đã thành lập nên 200 công ty trong danh sách Fortune 500 (bảng xếp hạng danh sách 500 công ty lớn nhất nước Mỹ).
Trên thực tế, các công ty công nghệ đóng tại nước này sử dụng nhiều người lao động có nguồn gốc nhập cư từ nước ngoài. Đây cũng là lực lượng đông đảo nhất phản đối lại quyết định của tân Tổng thống Mỹ về trật tự và sắc lệnh mà ông đề ra (giúp quốc gia này rà soát chặt chẽ hơn lượng người nhập cư từ nước ngoài, bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công khủng bố).