Dân Việt

Khốn khổ vì sau Tết… Osin kêu chồng ốm, con đau

Thùy Anh 08/02/2017 07:07 GMT+7
Đã thành thông lệ, đến hẹn lại lên, sau Tết là nhiều gia đình lại bị các Osin “bỏ bom”. Nhiều giúp việc tìm đủ lý do, từ việc nhà có giỗ, chồng ốm, con đau… cho tới bản thân bị tai nạn chỉ để “làm giá” hoặc tìm chủ khác có mức lương cao hơn.

Mặc dù, từ trước Tết đã tăng lương, biếu quà thậm chí chấp nhận tăng ngày nghỉ, chế độ cho người làm nhưng giúp việc của nhà chị Vũ Hồng Giang (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn không lên đúng như hẹn. Mùng 6 Tết chị đã phải đi làm, nhưng gọi điện cho chị giúp việc cũ người Nam Định thì chị này cứ ậm ừ hẹn lên, rồi lại không lên cáo bận vì chồng ốm, vì còn đi cấy…

“Nói thật là mình quá mệt mỏi với mấy cô giúp việc, hai năm nay năm nào ra Tết là mình cũng gặp cảnh này. Thực ra chẳng phải chồng con, ốm đau đâu, các cô ấy về ăn Tết rồi có người thuê mướn, chắc lương cao hơn nên đắn đo suy nghĩ thôi” – chị Giang nói.

Mặc dù biết như vậy, nhưng chị Giang cho biết, bản thân rất khó chấp nhận với những lao động thiếu chuyên nghiệp, thích “làm giá” ở mọi thời điểm. “Biết lao động như vậy, nên tôi cũng chẳng chèo kéo làm gì. Họ thích cứ nghỉ thôi, tôi cố gắng làm việc nhà thêm một vài hôm rồi tìm kiếm người khác’ – chị Giang tâm sự.

Cũng như nhiều gia đình khác, chị Giang đã liên lạc với khá nhiều trung tâm giúp việc, thậm chí nhờ cả mối quen biết giới thiệu nhưng đến nay vẫn không tìm được người giúp việc ưng ý. Lương cao từ 4-4,5 triệu đồng/tháng, lao động lại đưa ra rất nhiều yêu sách như tháng nghỉ 4 ngày, lễ Tết phải có quà, chỉ chăm trẻ, không làm việc nhà… nên chị rất “ớn”.

Theo ông Nguyễn Toàn Phong – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, những ngày đầu năm nhu cầu tuyển giúp việc trên địa bàn TP Hà Nội đã rất cao. Nhiều năm trở lại đây, trung tâm ghi nhận rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến để tìm người giúp việc. Nhu cầu này càng nhiều vào thời điểm sau Tết, tuy nhiên cung bao giờ cũng không đáp ứng đủ cầu. Thế nên mới có chuyện giúp việc làm kiêu và “làm giá” với chủ nhà.

img

Sau Tết hầu hết giúp việc hét giá lương cao, nếu không sẽ nghỉ làm (Ảnh IT)

Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (CFCD) cũng cho rằng thật khó để có thể tìm được một người giúp việc ưng ý. Tuy nhiên, nếu có kinh nghiệm, thêm chút may mắn các gia đình vẫn có thể tìm được một người giúp việc tốt.

“Điều quan trọng nhất khi tuyển người giúp việc là cần nắm rõ lý lịch. Tiếp sau đó, các gia đình có thể trao đổi về kỹ năng, kinh nghiệm và yêu cầu thử việc với họ. Ngoài ra các gia đình cũng nên tuân thủ việc làm hợp đồng với giúp việc gia đình, nêu đầy đủ yêu cầu kỹ thuật, công việc cần làm, mức lương trả, số ngày nghỉ… đặc biệt, các gia đình cũng cần đối đãi hợp tình hợp lý với lao động có như vậy họ mới chủ động gắn bó với gia đình, yên tâm làm việc” – Bà Ngọc Anh nói.

Tuy nhiên, cũng theo bà Ngọc Anh do nguồn “cầu” giúp việc cao hơn cung nên nhiều giúp việc rất kênh kiệu. Các gia đình cũng có tâm lý kiểu "có méo mó cũng hơn không”, chấp nhận bỏ qua nhiều tiêu chuẩn nên thường rước bực mình vào người, thậm chí có chủ phải đổi 2-3 giúp việc chỉ trong một tháng.