Phải cắt bỏ quá nhiều cành hoa không ưng ý, ông Nguyễn Minh Dũng - chủ vườn lan mokara 1.000m2 ở huyện Hóc Môn, buồn rầu cho biết: “Do thời tiết thay đổi đột ngột, nhiều cành bị thối đọt, cánh hoa bị sượng, không đẹp, đành phải cắt bỏ vì không thể giao hoa xấu cho bạn hàng”. Vườn lan của ông Dũng bị ảnh hưởng từ trước đến sau Tết Nguyên đán. “Tôi đang tìm cách trị bệnh để dưỡng lại nguồn hoa cho các đợt 8.3 và 30.4 sắp tới. Riêng mùa lễ tình nhân 14.2 này vườn tôi tiếp tục không có hàng” - ông Dũng nói.
Điều kiện thời tiết thất thường đòi hỏi công sức và kỹ thuật chăm sóc hoa lan kỹ lưỡng hơn. Ảnh: N.V
Bà Nguyễn Thị Bé - chủ vườn lan Minh Dũng (huyện Củ Chi) giải thích vì mokara là loại hoa ưa nắng, mưa nhiều làm cây phát triển tốt nhưng hoa thì có phần hạn chế. Mưa ẩm kéo dài làm nấm bệnh phát sinh nên khâu chăm sóc càng phải kỹ lưỡng hơn. Thương lái cũng kỹ tính hơn, khi hoa vừa hé nụ là đã đến lựa cắt cành. Ngay tại vườn 10.000m2 của bà Bé, kế hoạch xuất bán cây giống mokara cũng sớm hơn thay vì tháng 4 như mọi năm để bù lại phần hoa cắt cành bị thất thu.
Tình trạng thất thường của thời tiết cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến lan dendrobium. Ông Nguyễn Văn Thọ - người trồng lan ở Bình Chánh cho hay, nhiều vườn chưa có kinh nghiệm xử lý, gặp những đợt mưa như vừa rồi, dendrobium thường rụng lá khiến cây hoa xấu đi. Nhưng với những chủ vườn có kinh nghiệm lâu năm thì rủi ro được hạn chế nhiều, lượng hàng chuẩn bị cho các mùa lễ sắp tới vẫn đảm bảo. Ngay sau tết, ông Thọ đã chuẩn bị xong nguồn hoa mới. Từ mùng 5 âm lịch, ông vẫn xuất bán mỗi ngày 500 – 700 chậu. Giữa tuần này, ông sẽ xuất gần 7.000 chậu.
Tại các vườn lan của bà Đặng Thu Thủy ở quận 9 hoặc vườn Huyền Thoại của bà Thanh Huyền, các chủ vườn đều đảm bảo sẽ đủ nguồn cung cho thị trường. “Vì hoa cắt cành như mokara phải được chuẩn bị từ 1,5 – 2 tháng trước. Giá bán tại vườn không biến động nhiều, hoa loại 1 vẫn giữ được ở mức 7.000 – 8.000 đồng/cành” - bà Thủy lý giải.