Dân Việt

Đi lễ với tâm thế đẹp, cầu bình an thì lễ hội chắc chắn sẽ đẹp

Dân Việt - NTNN 08/02/2017 09:16 GMT+7
Trong buổi sáng 8.2, các vị khách mời trong buổi giao lưu trực tuyến đã trả lời hơn 30 câu hỏi trong số hàng trăm của bạn đọc gửi đến cuộc giao lưu. "Người đi lễ hội nên tham dự với tâm thế đẹp, cầu bình an", đó là mong muốn của các chuyên gia.

Mùa lễ hội 2017 đã mở màn với hàng loạt hiện tượng phản cảm như cướp lộc ở hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), nhà sư tung lộc phản cảm ở chùa Hương (Hà Nội), rải tiền lẻ lên chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh), xát tiền vào tượng Phật chùa Bái Đính (Ninh Bình)... 

Bên cạnh đó còn nhiều hiện tượng khác như xe công đi lễ chùa, chen nhau xin lộc đến ngạt thở, dâng sao giải hạn, đốt vàng mã tốn kém, chặt chém du khách, xả rác mất vệ sinh... hay hủ tục treo cổ trâu trong lễ hội ở Văn Chấn (Yên Bái) diễn ra vào năm 2016 xôn xao cộng đồng mạng. 

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 1

Cảnh cướp giò hoa tre hỗn loạn trước cửa đền tại lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Hồng Phú

Tất cả những "điểm tối" này đã làm nên một bức tranh khá buồn trong mùa lễ hội đầu năm. Vì lý do đó, sáng nay (8.2), Dân Việt mở cuộc giao lưu trực tuyến "Lễ hội xuân: Mê muội, phản cảm vì đâu?" tại trụ sở Báo Nông Thôn Ngày Nay (Hà Nội) với sự tham gia của các khách mời:

- TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo

- Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

- Bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL

- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 3

Ông Phan Huy Hà - Phó Tổng biên tập Báo điện tử Dân Việt - Nông Thôn Ngày Nay tặng hoa cho các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến (từ trái sang): TS Nguyễn Quốc Tuấn, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, bà Ninh Thị Thu Hương, nhà thơ Trần Đăng Khoa.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 4

Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến cùng nhìn lại một số hình ảnh phản cảm, mê muội trong các lễ hội đầu năm 2017 và 2016 ở Việt Nam mà dư luận đang tranh cãi nhiều chiều

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, sau khi xem xong clip trên do phóng viên Dân Việt tổng hợp lại từ tư liệu của đồng nghiệp các báo, ông có thể chia sẻ cảm nghĩ chung của mình về lễ hội Xuân vài năm gần đây?

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 6

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Trước khi vào câu chuyện của chúng ta hôm nay, tôi xin cảm ơn báo Dân Việt đã cho tôi có cơ hội gặp gỡ đầu xuân với bạn đọc. Qua báo tôi gửi tới bạn đọc Dân Việt lời chúc một năm mới tốt đẹp. "Tháng Giêng là tháng ăn chơi"  - nói ăn chơi là nói theo ngôn ngữ của các cụ ta trước đây, còn giờ là tháng của lễ hội, tôi chúc các bạn tham gia các lễ hội an toàn, vui vẻ. 

Nói đến lễ hội là nói đến vui, các cụ bảo vui như hội, vui như Tết, nhưng thực hội có vui không, thì trông qua clip các bạn vừa đưa lên chúng ta có thể thấy nó không còn là niềm vui tinh khiết, linh thiêng đã có từ ngàn đời của cha ông chúng ta. Rất đáng buồn là lễ hội của chúng ta đang bị biến thái tạo thành chốn ô hợp để lại nhiều nỗi buồn cho người xem và người tham gia, đặc biệt trong đó có những bạn bè quốc tế. Điều đáng sợ là bạn bè quốc tế sẽ không hiểu chúng ta, sẽ nhìn chúng ta bằng con mắt khác.

Trước đây báo chí truyền hình chưa phát triển như ngày nay chúng ta đỡ thấy nhức nhối hơn. Còn bây giờ thì hầu như mọi việc làm của chúng ta đều phơi ra trước mắt mọi người ở phạm vi toàn cầu. Những hành động cướp ấn, cướp lộc, cướp hoa tre... được phản ánh trên truyền thông, chúng ta kinh hoàng.

Một phụ nữ cướp được lộc, để bảo vệ chị đã ngậm trong miệng, biến miệng mình thành cái lô cốt để giữ lộc. Và còn kinh hơn khi có những kẻ bóp mắt chị để phải há miệng ra nhằm cướp lại biểu tượng có hình đức Phật. Đến với Phật mà lại có những hành động man rợn như thế thì làm sao tới Phật được?! Tất cả những thứ đó tạo thành hình ảnh không đẹp và thành nỗi ám ảnh cho người xem. Đặc biệt là bạn bè quốc tế họ không hiểu chúng ta ra làm sao cả.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Bạn đọc Thu Hương (Ba Đình, Hà Nội) gửi câu hỏi: Thưa nhà văn Nguyễn Văn Thọ, mùa lễ hội đầu năm đáng lẽ là một dịp vui vẻ, để con người cảm thấy trong tâm bình an, lắng đọng để bắt đầu một năm mới. Thế nhưng ở Việt Nam, nhiều năm gần đây nhiều lễ hội chỉ thấy sự lộn xộn, phản cảm, biến tướng, trục lợi. Ông có thể lý giải lý do vì sao?

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 8

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Trước hết tôi vừa là người Việt vừa là người được đi tới nhiều miền trên thế giới, tham gia khá nhiều lễ hội của nhiều chủng tộc khác ngoài sắc tộc Việt, lại thường xuyên trở về nước, được thấy trực tiếp và thấy sự phản ánh lễ hội qua những hình ảnh rất "nóng", tạo cho tôi những cảm xúc khó nói, khó kể và đôi khi không kiềm chế thì phải nói nặng lời.

Trả lời câu hỏi vì sao, rất khó để đưa ra sự lý giải về vấn đề còn tồn đọng hướng xấu của xã hội. Với nhãn quan của tôi thì bấy lâu nay chúng ta đã bỏ qua việc tổ chức các lễ hội vì chiến tranh, vì nhiều yếu tố khác, chúng ta tạm dừng một số lễ hội không được thực hiện nhưng quay lại thì không kiểm soát sự thức giấc của lễ hội. Trong đám đông lễ hội chúng ta đã để cho sự tự phát có tính bản năng chi phối một đám đông không được kiểm soát. Thậm chí để cho bạo lực phát triển. Chúng ta đã nhìn thấy, thậm chí rất đau lòng, khi có nhiều người không còn biết tôn trọng giá trị lịch sử rất đáng trân trọng đã chìm đắm trong lễ hội.

Cơ quan chức năng là Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và Bộ Thông tin Truyền thông phải có những trao đổi, nghiên cứu sâu sắc về lễ hội. Nếu thả lỏng thì chúng ta đang dung nạp cho thói rong chơi vô lối. Chúng tôi là nhà văn thường xuyên quan tâm đời sống người dân, nếu cứ để lễ hội như thế này thì chúng ta không thể che giấu với bạn bè quốc tế. Bạn bè quốc tế sẽ như thế nào nếu họ nhìn thấy con trâu giãy giụa khi bị treo cổ? Tôi thương chính tôi, các em các cháu reo hò, cổ vũ cho những hành động như thế.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 4

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi viết trên VnExpress nhắc lại lễ hội của đền và chùa Hai Bà Trưng vào dịp tháng Hai, xuất phát từ lịch sử bảo vệ đất nước của dân tộc Việt. Năm nào chúng tôi cũng đến lễ hội, hàng ngàn người, nhưng được tổ chức rất trật tự. Văn hóa Hà Nội bản chất là văn hóa làng xã và văn hóa phường xã, có những quy định tương tự giống nhau. Khi đó, những quy chuẩn của văn hóa được sự điều tiết của nhà nước mà đại diện là chính quyền tiểu khu. Tất cả kết hợp với tri thức của các vị sư sãi tạo nên lễ hội chặt chẽ và nghiêm túc. Đến hội trẻ con chúng tôi đi trật tự, trước khi đến hội tôi được nói phải như thế nào.

Hãy làm cuộc điều tra nghiêm túc để xem thanh niên đến hội có được cha mẹ giáo huấn hay những đứa trẻ như thác cuốn vỡ bờ để bản năng khơi dậy tranh cướp dã man. Tôi rất buồn vì tình trạng hiện nay nên tôi đã viết bài gửi cho nhiều nhân sĩ tri thức. Cảm ơn báo Dân Việt, báo Nông Thôn Ngày Nay đã cho tôi có dịp bày tỏ sự quan tâm tới sự hưng vong của đất nước thông qua một góc nhìn văn hóa.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Còn TS Nguyễn Quốc Tuấn, ông đánh giá thế nào khi hình như các cuộc vui giờ dễ bị biến tướng thành những loại hình bạo lực, tạo nên sự tranh giành, cướp giật, tạo nên sự sân si cho con người?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Trước hết, tôi xin cảm ơn Dân Việt đã tổ chức cuộc nói chuyện xung quanh chủ đề mấy ngày hôm nay thông tin đại chúng, báo chí nói rất nhiều về những hình ảnh có thể coi là mê muội, phản cảm. Chúng ta phải hết sức chú ý, cuộc nói chuyện này chúng ta nói đến lễ hội đã hình thành lâu trong lịch sử nhưng đến nay bị biến tướng. Tôi nghĩ rằng  những hình ảnh được trình chiếu vừa rồi thực ra là tập hợp những hội khác nhau. 

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 11

Phần hội thì có hai hợp phần, một hợp phần quan trọng là nghi lễ và hợp phần thứ hai là trình diễn xung quanh đấng thiêng nơi đó tôn thờ. Chúng ta trải qua một thời kỳ lịch sử dài và chủ yếu hình ảnh này diễn ra ở miền Bắc còn miền Trung và miền Nam không có. Điều này có lý do lịch sử của nó. Cho nên, chúng ta không nên nói "lễ hội" chung chung cho toàn quốc mà nói đến hội có hành vi phản cảm hoặc có hành vi lỗi thời như chém lợn, treo đầu trâu, đập đầu trâu... diễn ra ở miền Bắc. Vấn đề này, cơ quan chức năng cần kiên quyết, có ý kiến để chấn chỉnh.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 4

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Quay trở lại nói về hội có hai hợp phần như vậy, phần nghi lễ có lúc chúng ta khôi phục hơi thái quá. Tôi có viết trên tờ Văn hóa Nghệ An rằng, chúng ta đã phá vỡ hệ thống thờ phụng thần linh được hình thành trong lịch sử gần nhất là triều Nguyễn. Thần linh trong hệ thống đó được chia ra ba hạng: thượng đẳng thần, trung đẳng thần, hạ đẳng thần. Và tương ứng là hệ thống nghi lễ đi cùng. Sau năm 1954 ở miền Bắc, chúng ta loại bỏ toàn bộ hệ thống đó.

Tôi đã sử dụng một từ rất mạnh, chúng ta bước vào thời kỳ “mồ côi tâm linh”. Chúng ta quên đi rằng, đời sống con người phải tuân theo chuẩn mực dựa trên giá trị cốt lõi, đó là giá trị tâm linh, tôn giáo. Nếu khôi phục không cẩn thận sẽ có hiện tượng "tam sao thất bản" và lúc đấy chúng ta phải hành xử như thế nào đối với một nghi lễ chưa hoàn thiện? Trong nghiên cứu gần đây, chúng tôi đề xuất việc giáo dục nghi lễ đối với học sinh không phải bằng cách nhồi nhét. Nhìn trên những hình ảnh vừa rồi, những bạn trẻ do không được giáo dục nên hành động bản năng. Cho nên, trong cái chúng ta nhìn thấy hôm nay cần phải được lưu tâm. Tôi cũng xin đưa ra nhận xét đầu tiên như vậy.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Bạn đọc Trương Minh Sơn (Thanh Hóa) hỏi: Nói đến thực hành niềm tin tôn giáo, rất mong ông Tuấn có thể phân tích thêm về sự khác biệt giữa lễ hội của miền Bắc và các vùng miền khác trong cả nước? 

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Tôi muốn nói kỹ hơn một chút, đây không phải phân biệt vùng miền mà do lịch sử để lại. Về cơ bản ở miền Nam vẫn tiếp nối truyền thống nên vẫn có những hành vi đúng chuẩn. Hội nào cũng có ý nghĩa hết sức tốt.  Do miền Trung, miền Nam không có sự "đứt gãy văn hóa" nên tạo ra một nề nếp, lễ hội không bị loại bỏ, gián đoạn ra khỏi đời sống con người. Cho nên, chúng ta phải cầu thị, hết sức thành thực với chính mình khi nói đến lễ hội ở ngoài Bắc.

Trong quá khứ, có giai đoạn chúng ta có xu hướng cực tả với tín ngưỡng nên loại bỏ các nghi lễ ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng tôi cũng ghi nhận với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu nên những hội hồi phục một cách mạnh mẽ nhưng cũng có những sự khôi phục một cách thái quá. Nên lưu ý đây là nói về hành vi lệch chuẩn. Hành vi của nhà sư ở Chùa Hương tung lộc có thể gọi là ném lộc, như vậy không đúng. Cần phải hết sức thận trọng khi nhận định, không nên ào ào phê phán niềm tin tôn giáo thông qua những hành vi lệch chuẩn.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 14

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 4

Bạn đọc từ địa chỉ email thanhhango76@... hỏi: Thưa bà Thu Hương, nhiều năm nay Bộ VHTTDL đã có nhiều văn bản, chỉ thị chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội, nhưng rõ ràng tình trạng lộn xộn vẫn chưa giảm. Xin bà có thể đưa ra đánh giá chung và theo quan điểm của bà, chúng ta cần phải siết lại những khâu nào để lễ hội bớt những hiện tượng phản cảm?

Bà Ninh Thị Thu Hương: Công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2017 có rất nhiều chuyển biến tích cực. Thực ra thì như các độc giả được chứng kiến nhiều video clip, nhận định về những phóng sự thì tôi xin khẳng định đó là hình ảnh trong những năm qua chứ không phải chỉ riêng trong năm 2017. Trong năm 2017 còn diễn ra nhiều lễ hội, người dân còn tiếp tục theo dõi và quan tâm tới các hiện tượng mà trước đây chúng ta đã nhìn thấy những hiện tượng phản cảm.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 16

Tôi cũng xin khẳng định, nhiều lễ hội đã được các cơ quan chức năng vào cuộc và được chuyển biến, ví dụ: những lễ hội như đập đầu trâu, chém lợn đã không còn tình trạng đó nữa. Bộ sẽ tiếp tục có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt và phối hợp với các bộ ngành, các cơ quan địa phương để khắc phục lễ hội có hiện tượng phản cảm.

Ở Lễ hội chùa Hương, Bộ chỉ đạo và phối hợp với các bộ khác chỉ đạo địa phương vào cuộc và có những biện pháp chấn chỉnh ngay. Qua theo dõi tôi thấy là toàn bộ phần nghi lễ của các lễ hội diễn ra trong toàn quốc hiện nay để thực hiện một nghi lễ đúng với truyền thống mà lịch sử để lại mang tính tôn nghiêm trang nghiêm. Các phần lộn xộn diễn ra là các hoạt động bên lề.

Với chức năng, vai trò quản lý nhà nước, Bộ đã đưa ra nhiều biện pháp như ban hành các văn bản, đề nghị vào cuộc của các cấp các ngành điah phương, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân để từng người dân tham gia với tâm thế như thế nào. Đồng thời cũng có những biện pháp khác, thậm chí có những chế tài cho những hành vi cho các chế tài, ví dụ Nghị định 158 của Chính phủ.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 4

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi rất chia sẻ với ý kiến của chị Thu Hương. Đúng là có cái rất khó cho các nhà quản lý về việc ứng xử thế nào, hạn chế thế nào những hành động phản cảm? Tôi cũng đồng ý với chị Thu Hương là không thể cấm được vì đây là nhu cầu của dân, là những lễ hội xã hội hóa, do dân quyết định. Mình chỉ có thể tìm cách điều chỉnh thế nào cho nó hạn chế những phản cảm, nhức nhối.

Tôi cũng tâm đắc với ý kiến của TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Không phải lễ hội nào cũng để lại những điều không đẹp như thế. Phần lớn phản cảm xảy ra ở các lễ hội khu vực phía Bắc, những vùng khác ít hơn. Có thể chúng ta nên tìm hiểu và lý giải vì sao lại thế? 

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 18

Trong ứng xử trước đây, nhiều khi chúng ta chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Chúng ta đã có rất nhiều những đình, chùa rất đẹp, thờ phụng những người có công với đất nước, làng xã. Trong thời Lý, thời Trần cũng có những vị vua đều là người có đạo, có vị vua từng đi tu, có khi triều đình họp ngay trong chùa... Thời đó, chúng ta đã từng 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ mà không có sự giúp đỡ của các nước khác. Triều đình chỉ dựa vào dân. Và rồi đã có những trang sử tuyệt vời. 

Rất tiếc sau này, với ý thức "bài trừ mê tín dị đoan" chúng ta đã phá đi rất nhiều đình chùa. Thậm chí cả những nơi thờ các vị có công với đất nước, làng xã cũng bị phá bỏ. Sau này, khi đổi mới chúng ta lại xây dựng lại rất nhiều đền, chùa. Nhiều đền chùa mọc lên, tôi ngờ chỉ để nhằm thu tiền công đức, cái đó cũng không ổn. 

Chúng ta nên xem xét lại, một nước có 8.000 lễ hội trong khi mỗi năm chỉ có 365 ngày. Chúng ta nên rà soát lại để tạo điều kiện cho những lễ hội văn hóa, tâm linh thực sự có thể phát triển. Còn những gì phi văn hóa thì cần phải xem xét lại. Cùng với đó, cũng cần có những chế tài đồng bộ trong đó có sự phối hợp can thiệp từ phía báo chí, truyền thông, các Bộ, ngành như: Bộ GDĐT, Bộ VHTTDL, Bộ Công an... và toàn xã hội để lễ hội thực sự trở thành những lễ hội theo đúng nghĩa của nó là việc làm của tất cả mọi người.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Bạn đọc Lê Thị Mây (TP.HCM) gửi câu hỏi tới nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Xin nhà văn cho biết ở Đức các lễ hội có lễ hội lệch chuẩn không và việc gìn giữ lễ hội ở nước ngoài thế nào?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi hay đi bán hàng ở lễ hội Đức – thị trấn Grossbereen, phần lễ họ không khác mình. Hàng năm vào dịp tháng 3 làm lễ tưởng nhớ Napoleon, tôi lấy làm kỳ lạ vì sao họ lại làm lễ thờ người đã xâm lược đất nước họ. Lễ hội không tự nhiên sinh ra, tiết chế bởi ý định chủ quan của một ai đó mà lễ hội gắn bó với lịch sử phát triển của dân tộc, bị chịu ảnh hưởng của tập quán, văn hóa, tôn giáo.

Ví dụ chúng ta có thời gian dài không tổ chức lễ hội nhưng lễ hội trong tâm thức của người dân nó như lửa trong tro, trong trấu như TS Tuấn có so sánh về sự "đứt gãy" của văn hóa, khi đứt gãy văn hóa thì sinh ra nhiều vấn nạn. Tôi lấy ví dụ như ở Đức một lễ hội diễn ra trong 7 ngày, ngày đầu tiên có duyệt binh, bắn đại bác. Duyệt binh nhưng rất trật tự bởi ví chính quyền xử lý từng chi tiết như bao nhiêu vạn dân tham gia, ăn ở, họ tính kỹ vô cùng như một trận đánh. Tôi nghĩ Bộ VHTTDL và các ngành, các cấp chúng ta cần có hoạch định, tính toán những chi tiết như thế và lường được đám đông tự phát.

Tôi đã nghe ý kiến của bà Thu Hương vừa nói, tôi nghĩ Bộ VHTTDL không thể đứng ra quản lý 8.000 lễ hội nên cần thiết tiến hành khoanh vùng và giao quyền, trách nhiệm cho địa phương, phải tạo ra mặt bằng pháp lý rõ ràng.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Khi đến Hà Lan, tôi thấy lễ hội ném cà chua. Họ chỉ ném vào người nhau những quả cà chua chín mềm chuẩn bị sẵn chứ không ném quả xanh cứng hay ném vào mặt. Tôi nghĩ, nếu ở Việt Nam có lễ hội như thế, thì có người trong lễ hội sẽ bị thương. Suốt 7 ngày lễ hội tưởng nhớ trận chiến với Napoleon tai Grossbereen, bia được bày bán hơn 1km dọc đường mà suốt 5 năm chứng kiến tôi cũng không bao giờ thấy xảy ra đánh nhau.

Tết này đọc báo chí thấy tin mấy nghìn vụ đánh nhau phải nhập viện cấp cứu, tôi suy nghĩ tâm lý con người trong nhân học, tâm lý đám đông chúng ta phải tính đến từng chi tiết để quản lý, khống chế nó. Dứt khoát lễ hội không được bỏ bởi xuất phát từ lịch sử, quá trình phát triển, góp phần cho dân tộc ấy không bị đồng hóa, trên mảnh đất của cha ông đã phải đổ máu, nhưng phải tìm cách để nó phù hợp với văn minh hôm nay, không thể để phong tục trở thành hủ tục u tối.

Tôi nghĩ các chuyên viên văn hóa phải thẩm định kỹ càng chi tiết chứ không chung chung. Về lễ trao ấn, nếu như biến lễ hội ấy để tranh nhau, mua lại để thỏa mãn mưu cầu thăng tiến, tài lộc... thì tôi nghĩ cần loại bỏ. Nó đang không tạo mầm thiện mà để mầm ác mọc thêm trong xã hội Việt Nam.

Tôi bỏ nước Đức trở về ở hẳn nước nhà, chỉ để được chết trên quê hương này. Nhà nước hãy nghe chúng tôi, cắt bỏ những điều gì không phải như khối u nhức nhối. Với tư cách nhà văn, tự tấm lòng tha thiết, tôi yêu đất nước này.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 21

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Bà Ninh Thị Thu Hương: Hiện nay không phải bộ quản lý cả 8.000 lễ hội mà các lễ hội đã được phân cấp cho các địa phương. Những hoạt động của các lễ hội đó hoàn toàn là do ủy ban nhân dân các cấp tổ chức quản lý. Ví dụ như Hội chùa Hương, thì phải UBND của thành phố, sở Văn hóa và Thể thao của thành phố phải tham mưu cho UBND TP Hà Nội công tác tổ chức, quản lý như thế nào? Ví dụ như lễ hội Đền Hùng, hay những lễ hội khác cũng như vậy…

Trong 8.000 lễ hội đó, còn phân cấp ra các loại lễ hội, không phải cấp nào cũng là UBND các tỉnh quản lý, hoặc không phải lễ hội nào UBND cấp huyện cũng quản lý,… mà nó là từng cấp một. Tức là, cấp xã thì cấp xã phải quản lý, cấp huyện thì cấp huyện phải quản lý chứ không phải dồn lại cho Bộ. Nhưng ở đây, Bộ vẫn phải có trách nhiệm bởi Bộ chịu trách nhiệm trước chính phủ là quản lý về hoạt động này. Nên các lễ hội đó có đi vào quy chuẩn hay không hoặc có chấn chỉnh được các hoạt động phản cảm như hiện nay đang diễn ra hay không thì một mình bộ VHTTDL không thể làm được, mà trách nhiệm chính chính là trách nhiệm của UBND các cấp. Ở đó mới có sự vào cuộc của các ban ngành,các cấp thì mới chấn chỉnh được hoạt động đó.

Ví dụ ngày mai sẽ diễn ra lễ hội cướp phết ở Hiền Quan, Phú Thọ chẳng hạn thì các năm trước xảy ra những hành vi phản cảm như độc giả nhìn thấy; nhưng năm nay sẽ diễn ra khác như cướp phết sẽ chia ra các đội, quây thành 3 khu vực, quây thành 3-4 vòng, khu vực cướp phết đó chỉ có đại diện cho các làng được vào đó tham gia chứ người dân không được ào vào như các năm nữa. Đó là bàn tay quản lý của các cấp, có sự điều chỉnh cũng như sự vào cuộc các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Bạn đọc Nguyễn Thái Hòa từ địa chỉ email thaihoa67@... hỏi: Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngày xưa ở vùng đồng bằng Bắc bộ, người ta đi hội thế nào và tâm thế đi hội của người Việt Nam được phản ánh trong các tác phẩm văn học nghệ thuật ra sao?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Lễ hội là một phần trong đời sống tinh thần của nhân dân. Điều ấy ta có thể thấy trong những trang thơ rất đẹp của Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính... Lễ hội không chỉ là nơi để chúng ta bày tỏ lòng tôn kính đối với những người có công với đất nước, với làng quê mà còn là nơi gặp gỡ nhau của rất nhiều cặp uyên ương. Rồi từ đó, hình thành những đôi lứa với những mối tình rất đẹp.Sau này lễ hội bị biến tướng, không ít người đã biến lễ hội thành nơi "buôn bán" chức tước, tiền bạc với thần thánh. Khi lễ hội đã nhuốm màu thực dụng rồi thì khó mà tránh được sự lộn xộn. Và điều gì không đẹp đã diễn ra như chúng ta đã thấy.

Để thay đổi, không phải ngày một, ngày hai mà chúng ta làm được đâu. Ngoài việc nâng cao ý thức của người dân, cần phải có sự kết hợp đồng bộ của các cơ quan rất quan trọng như Bộ GD-ĐT, Bộ Công an, Bộ VHTTDL và đặc biệt là giới báo chí truyền thông chúng ta. Làm thế nào để đưa lễ hội về đúng nét đẹp mà chúng ta từng có? Đấy là công việc của toàn xã hội, mỗi gia đình và tất cả mọi người.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Bạn đọc từ địa chỉ email buingoc.hlu@ có hỏi: Lễ hội đầu xuân là nét văn hóa đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, hiện nay tôi thấy đâu đâu cũng lễ hội, dàn trải ra hết cả tháng Giêng, tháng Hai. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc ổn định nhịp độ làm việc của mọi người. Theo bà Thu Hương, chúng ta có nên gộp các lễ hội này vào một khoảng thời gian nhất định, không nên để kéo quá dài?

Bà Ninh Thị Thu Hương: Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hoá tổng hợp mang tính cộng đồng cao, có giá trị hướng về nguồn cội, cân bằng đời sống tâm linh, sáng tạo và hưởng thụ văn hoá. Trong những năm gần đây, do nhu cầu của nhân dân, trên cơ sở đời sống kinh tế, đời sống văn hoá ở cơ sở được nâng cao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, góp phần phát huy truyền thống văn hoá, giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 25

Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Lễ hội do cấp tỉnh quản lý: 332 (4,17%); lễ hội do cấp huyện, quận quản lý: 1930 (24%); lễ hội do cấp xã quản lý 5.517 (69%); lễ hội do thôn, làng, bản, ấp: 187 (2,3%).

Mỗi lễ hội có một nét đặc thù riêng biệt nên không thể gộp các lễ hội này vào một khoảng thời gian nhất định. Điều quan trọng là tổ chức lễ hội phải bảo đảm đúng quy định, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, gây bức xúc trong dư luận xã hội như: chen lấn, tranh cướp lộc, gây mất an ninh trật tự, trang phục không phù hợp, mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin… Ban tổ chức lễ hội phải có giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; tổ chức tốt các dịch vụ phục vụ nhân dân tham dự lễ hội...

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Câu hỏi gửi từ địa chỉ email phuongdong27@...: Xin hỏi các diễn giả của buổi giao lưu trực tuyến, ngoài các nguyên nhân khác thì nhiều người cho rằng, lễ hội trong những năm gần đây sở dĩ trở nên bạo lực tranh cướp và bát nháo có nguyên nhân từ tâm lý xã hội cho rằng vẫn có nhiều điều bất công "không thể tin nổi". Ví dụ, "tay đó vô dụng bất tài vậy mà vẫn thăng tiến ầm ầm"; "nhà đó ăn ở có nhiều điều tệ bạc vậy mà làm ăn vẫn phất lên vù vù"... Dần dần con người không tin vào tri thức, không tin ở sự phấn đấu năng lực bản thân hay gia đình, cộng đồng mà tin ở một điều duy tâm nào đó và nơi gửi gắm thể hiện dễ nhất đó là ở các lễ hội, đền chùa, miếu mạo. Quan điểm của các ông, bà về ý kiến trên như thế nào?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Tôi xin cảm ơn bạn đọc đưa ra câu hỏi quá hay, vấn đề được nêu ra trên đây thậm chí nên có một cuộc giao lưu khác để thảo luận. Về vấn đề này tôi xin đưa ra nhận định như sau: Tâm lý chụp giật, tâm lý không lao động mà được hưởng, tâm lý không đủ tài năng mà vẫn muốn thăng quan tiến chức, chúng ta nhìn thấy rất rõ trong xã hội của ngày hôm nay. Có rất nhiều lệch chuẩn mà lệch chuẩn này không chỉ riêng ở vấn đề chúng ta đang bàn mà lệch chuẩn ở rất nhiều khía cạnh, vấn đề xã hội.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, xã hội như thế nào thì các hoạt động khác cũng như vậy. Xã hội đang có những nhóm yếu thế, đang tồn tại những người không làm gì mà được hưởng sự giàu sang…tất nhiên sẽ dẫn đến hành vi xã hội sai. Hành vi đó sẽ vào lại trong sinh hoạt tôn giáo. Chuyện đó chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận.

Chúng ta phải sửa hành vi cá nhân, không tham gia, không ủng hộ cho những hành vi sai phạm. Tôi đã nhìn thấy trong xã hội của chúng ta tạm chia hai nhóm. Nhóm thứ nhất là không tham gia. Và nhóm thứ hai là nhóm bất chấp công luận, bất chấp chuẩn mực của xã hội. Chúng ta đi đến kết luận là phải đấu tranh làm sao cho những hành vi lệch chuẩn xã hội, lệch chuẩn tôn giáo không còn tồn tại. Chúng ta làm bằng biện pháp giáo dục, không thể dùng bạo lực để chấn chỉnh được. 

Tôi nghĩ báo Dân Việt nên mở ra cuộc thảo luận về vấn đề này, để không chỉ dừng lại ở việc giải thích trên bề mặt mà đi sâu vào bản chất. 

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Bạn đọc Nguyễn Công (Hà Nội) hỏi: Nhiều người cho rằng, sở dĩ người dân ngày càng manh động tại các lễ hội, nhất là lễ hội mang tính cầu mong, thể hiện khao khát về giàu sang, thịnh vượng, phát lộc, cầu may là bởi có không ít cán bộ nhà nước cũng làm lễ rình rang, đi chùa chiền khấn vái. Thậm chí, ở không ít lễ hội những năm trước đây xuất hiện một số cán bộ lãnh đạo dự lễ và tiến hành các thủ tục thụ lễ. Hình ảnh của cán bộ lãnh đạo đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân thường dẫn đến có sự thay đổi hành vi của họ. Ông có nghĩ như vậy không?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Chúng ta không nên cực đoan khi nhìn nhận vấn đề này. Cái tạo ra bạo lực, phản cảm không phải do lỗi của các cán bộ lãnh đạo tham dự. Đôi khi họ đến các lễ hội chỉ là do họ quan tâm thực sự đến vấn đề văn hóa mà thôi.Tuy nhiên, cũng có những người biến lễ hội thành nơi "cầu quan cầu chức" gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý chung của xã hội. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp để tìm lại giá trị đích thực của lễ hội, cần phải làm cho đời sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Các vị quan chức cũng phải gương mẫu trong mọi hành xử của mình.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Tôi xin nói thêm, các vị đi với tư cách lãnh đạo tạo nên sự ganh đua, ham muốn quyền lực, nếu như không được kiểm soát phần nào đó cũng sẽ dẫn đến tâm lý ham muốn quyền lực, ganh đua. Tôi đồng ý với nhà thơ Trần Đăng Khoa, đề nghị các vị khi đã thấy có diễn biến không tốt, gây phản ứng của xã hội thì không nên đến những lễ hội đó nữa. Về khía cạnh cá nhân tôi nghĩ rằng, với tư cách là con người, vị cán bộ đó có thể tìm đến niềm tin tâm linh tín ngưỡng riêng nhưng không nên bất chấp.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Bạn đọc Chí Công (Quảng Ngãi) hỏi: Thưa nhà văn Nguyễn Văn Thọ, theo ông, đi lễ hội cần thiết phải hiểu để tham dự đúng bản chất lễ hội hay theo trào lưu?

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Có lẽ để hiểu một cách thấu đáo thì điều này khó. Tôi ví dụ như hàng triệu người đi Đền Hùng, chùa Hương chẳng hạn, theo tôi, có thể người ta biết thì tốt mà không cũng được. Đi chùa Hương hay việc biết lịch sử là biết một lượng tri thức nhất định. Điều ấy không thể đòi hỏi đám đông phải biết hết. Hầu như mọi người đi lễ hội thì thấy vui ngày đầu xuân, nhưng cần có những quy phạm chặt chẽ, mang tính quản lý của nhà nước để điều tiết tất cả các hành vi trong xã hội.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 30

Tôi ví dụ như cách đây 7 năm tôi đến Roma. Đúng hôm đó rất có duyên lại vào đúng ngày Giáo hoàng tới giảng lễ. Nhưng chỉ 374 người được vào (tôi không hiểu tại sao lại như thế, có lẽ đấy là chỉ số của hàng ghế cho phép). Tôi là người cuối cùng thuộc con số 374. Sau lưng tôi, người ta vẫn xếp hàng có muốn vào cũng không được. Nếu như việc đó ở Việt Nam thì sao? Có khi đám đông sẽ đạp rào chạy vào bởi đây là một cái phước rất lớn. Tuy nhiên, trật tự ấy được khẳng định chỉ bởi 2 vệ sĩ của Vatican và không ai vượt qua hàng rào. Đó là những quy phạm rất chặt chẽ, tính tôn trọng gần như thoát khỏi bản năng ham muốn của con người ở trong một thế giới văn minh.

Tôi quay lại vấn đề dân trí, để các bộ, ban ngành có trách nhiệm cần quan tâm hơn: Chúng ta cần phải quay lại như một đứa trẻ để nhìn nhận vấn đề. Tôi rất đau đớn khi thấy ảnh hai cô gái ngồi trên một tượng trong chùa, hành vi ấy đã giẫm đạp lên lòng yêu văn hóa, yêu con người, những vấn đề thuộc về tâm linh. Có lẽ chúng ta nên đặt lại những viên gạch nhỏ nhất từ những đứa trẻ. Tôi nghĩ, các bộ, ngành, các vị ủy viên Bộ Chính trị phải quan tâm đến vấn đề văn hóa. Như các nước phát triển có những tập tục các quy chuẩn văn hóa được ràng buộc, tiết chế, những phần tốt đẹp được phát huy tối đa, còn hủ tục thì phải mạnh dạn cắt bỏ.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Bạn đọc từ địa chỉ thienha8683@... hỏi TS Nguyễn Quốc Tuấn: Thưa ông Nguyễn Quốc Tuấn, chuyện dâng sao giải hạn, cúng cầu an đầu năm mấy năm gần đây khá thịnh hành, thậm chí đang trở thành “mốt”, nhiều chùa đứng ra để tổ chức lễ dâng sao, lễ cầu an. Tuy nhiên tôi được biết, trong giáo lý đạo Phật không có những chuyện này, tại sao các chùa lại làm những việc này? Tôi được biết có chùa thu tới 100.000 đồng để giải hạn sao hay cầu an cho 1 người, số tiền tổng hợp lại là rất lớn. Vậy có sự lợi dụng để trục lợi hay không?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Việc cúng dâng sao giải hạn không phải nghi lễ của Phật giáo mà của tôn giáo khác là Đạo giáo được hình thành ở Trung Quốc. Đạo giáo hiện nay không còn tồn tại nữa, chỉ còn những mảng vỡ. Các nhà chùa, nhất là trong khoảng 15 năm gần đây, tôi xin nhấn mạnh chỉ có chùa ở miền Bắc, nhằm đáp ứng nhu cầu niềm tin của người dân đó là việc giải hạn trong năm những tác động của sao xấu. Nhưng có thể nghi lễ này không phải của Phật giáo mà của Đạo giáo. 

Chúng ta cũng nên nhìn thấy ở đây hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất, trong Phật giáo là không có. Nhưng khía cạnh thứ hai thì trong thực tế, người dân lại có nhu cầu. Theo tôi, nghi lễ này làm ở trong chùa thì nhà chùa cố gắng thông qua cúng dâng sao giải hạn mà đưa giáo lý của Đức Phật vào người dân để mọi người hiểu: Không có sao nào chiếu mệnh nếu như hành vi của chúng ta xấu thì chúng ta sẽ gặp bất hạnh.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Bạn đọc từ địa chỉ huongduong0309@... hỏi: Xin bà Ninh Thị Thu Hương có thể nói rõ hơn về những nghị định xử lý các hành vi phản cảm trong lễ hội. Từ trước tới giờ, chúng ta có nhiều nghị định xử phạt ban tổ chức, thế còn những người tham gia các lễ hội, theo bà chúng ta có nên có những chế tài cho những hành vi phản cảm của họ hay không?

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 33

Bà Ninh Thị Thu Hương: Những quy định của pháp luật về lễ hội thì gần đây nhất, Bộ VHTTDL đã có ban hành thông tư số 15. Trong thông tư số 15, thì trong hành vi cấm của thông tư thì đã cấm luôn những lễ hội mang tính chất phản cảm. Ví dụ, đầu rơi máu chảy hoặc diễn tả những hành động man rợn trong tư cấm.Việc thứ hai là, trong thông tư đó cũng đưa ra những hành vi cấm đối với những người dân khi tham gia những hoạt động lễ hội. Ví dụ như trang phục không phù hợp với những nơi tôn nghiêm, những hành vi như đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa. 

Tất cả những nội dung đó cũng đã có trong văn bản quy phạm pháp luật, ngay cả Nghị định 158 cũng đã không chỉ xử phạt những người tổ chức mà còn có thể xử phạt đối với những người tham gia các hành vi như bói toán, lên đồng, cờ bạc trong hoạt động lễ hội và các hành vi khác thì trong quá trình văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thì chúng tôi sẽ có những theo dõi hành vi của những người tham gia lễ hội, tất nhiên là người tham gia lễ hội thì không thể đưa những văn bản quy phạm hoặc những chế tài xử lý vi phạm vào những ý thức đó mà phải có những biện pháp tuyên truyền, nhiều hơn nữa đối với những người tham gia lễ hội.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Bạn đọc Diệu Linh (Hà Nam) hỏi: Thưa ông Nguyễn Quốc Tuấn, có một hiện tượng rất phổ biến ở các đền chùa là người đi lễ rải trắng tiền lẻ khắp nơi, rất phản cảm. Mặc dù ở điểm thờ tự đã treo biển cấm đổi tiền lẻ nhưng vẫn không ngăn nổi việc người dân nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật. Là một người nghiên cứu tôn giáo, ông nhận xét thế nào về tình trạng này? 

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Hành vi rải tiền, nhét tiền vào tay Phật thì trong thuật ngữ của chúng tôi là “Mua chuộc thần linh”, đây không mang ý quá xấu mà ở khía cạnh mang tính che chở. Hành vi ném tiền lẻ, tiền xu cũng có ở Châu Âu không chỉ riêng ở phương Đông. Nếu ở các nước Nhật, Hàn sẽ có những thùng tiền, vị trí chấp nhận được để người dân cho vào. Còn ở ta, nói là thái quá, bất chấp nhét vào tay Phật, đây là điều không thể chấp nhận được.

Tôi thấy cứ đến mùa xuân tiền lẻ in rất nhiều, điều này phải hỏi cái “gốc” thôi. Tại sao lại đáp ứng nhu cầu thô thiển như vậy? Cần xem xét lại, hành vi đó đến lúc nào mang ý nghĩa biểu tương, đến lúc nào thái quá. Tôi cho rằng, sức mạnh của truyền thông rất lớn. Theo tôi, truyền thông cần bĩnh tĩnh, các phóng viên nên tìm hiểu ngọn ngành không chỉ dựa vào mạng xã hội để câu view, câu like làm sao để phản ảnh cho đúng, khách quan.

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 2

Bạn đọc từ email maituanhbht@gmail.com hỏi: Xin nhà thơ Trần Đăng Khoa đưa ra lời khuyên với những người đi lễ chùa, đền đầu năm, theo ông chúng ta phải hành xử thế nào cho đúng với văn hóa?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Trước hết tôi rất cảm ơn các bạn dành niềm yêu mến cho các khách mời trong buổi giao lưu hôm nay. Tôi không có lời khuyên nào cả, tôi nghĩ các bạn sẽ tự tìm được những cách để đến với các lễ hội một cách tốt đẹp nhất. Làm sao để lễ hội vui, đẹp thì không phải chỉ ở ban tổ chức mà ở chính những người tham gia lễ hội. Những người tham gia sẽ làm nên vẻ đẹp của lễ hội.

Chúng ta từng có những lễ hội rất đẹp thì tại sao chúng ta lại không tạo dựng lại được? Tôi cũng luôn mong muốn mọi người hãy đến với lễ hội bằng tâm thế đẹp nhất, những ứng xử đẹp nhất để lễ hội của chúng ta trở lên đẹp hơn trong mắt mọi người dân và bạn bè quốc tế. Chúc các bạn hạnh phúc!

img imgdi le voi tam the dep, cau binh an thi le hoi chac chan se dep hinh anh 36

Sau gần 3 tiếng diễn ra, cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề "Lễ hội xuân: Mê muội, phản cảm vì đâu?" đã kết thúc với gần trăm câu hỏi từ bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên vì thời lượng chương trình có hạn nên chúng tôi xin được giải đáp sau.

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã nhiệt tình tham gia và gửi câu hỏi tới chương trình!