Dân Việt

Những nguyên tắc của tục "cướp vợ" không phải ai cũng biết

Cảnh Thắng – Lang Lương 08/02/2017 13:40 GMT+7
Những ngày qua, clip ghi lại cảnh "cướp vợ" ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã gặp phải phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng. Dù biết, sự việc trong clip chỉ là một biến tướng của tục "cướp vợ" nhưng nhiều người cho rằng cần xóa bỏ tục lệ này như một hủ tục lạc hậu.

Chúng tôi đã tìm gặp những già làng có uy tín tại huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) – nơi được xem là cái nôi văn hóa đồng bào Thái cổ để tìm hiểu phong tục này. Bởi theo đồng bào Thái tại đây, “cướp vợ” (hay còn được gọi là “bắt vợ”) là một nét đẹp truyền thống, là một tục lệ với nhiều nguyên tắc chặt chẽ và rất nhân văn…

img

Ảnh minh họa. I.T

Chỉ “cướp vợ” khi đã nhận được sự đồng ý

Với đồng bào Thái ở miền Tây Nghệ An, “cướp vợ”  là một trong những nghi thức bắt buộc không thể thiếu trong tục lệ cưới, hỏi. Được biết, trong lễ cưới, hỏi của đồng bào Thái bao gồm các nghi thức: cướp vợ, ở rể, thách cưới, rước dâu ban đêm, rửa chân và buộc chỉ cổ tay... Bất kỳ một cặp trai gái nào muốn thành vợ chồng cũng đều phải trải qua các nghi thức này.

Cũng theo đồng bào nơi đây, tục “cướp vợ” là một nét văn hóa chứ không phải hủ tục lạc hậu như mạng xã hội mấy ngày qua đã bàn tán, bình luận. Vì để trải qua nghi thức “cướp vợ” thì chàng trai phải bắt buộc nhận được sự đồng ý từ cô gái và quan trọng là nhận được sự đồng thuận của 2 bên gia đình.

Không “cướp vợ” vào ban ngày

Theo phong tục của đồng bào Thái, nghi thức “cướp vợ” thường được diễn ra vào lúc 12 giờ đêm.

Người dân nơi đây có một quan niệm rất riêng rằng, ban ngày thường có nhiều linh hồn, quỷ dữ lang thang vất vưởng, nếu “cướp vợ” được tiến hành vào ban ngày thì những linh hồn này sẽ theo về phá hoại hạnh phúc của đôi tân lang, tân nương.  Đồng thời, thời khắc chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới chính là lúc trong lành, may mắn và có nhiều lộc trời nhất, “cướp vợ” vào giờ khắc này cuộc sống vợ chồng gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Phải “đền danh dự” nếu nhà gái không đồng thuận

Già làng Vi Thanh Đoàn (70 tuổi, trú tại Xóm Mới, xã Châu Phong, Quỳ Châu) cho biết: “Không biết nghi thức cướp vợ có từ bao giờ, chúng tôi chỉ biết rằng nghi thức này đã tồn tại từ lâu đời. Đây là nét văn hóa, chứ không phải hủ tục, cướp vợ không có nghĩa là gặp ai, thích ai thì cướp về mà là được sự đồng ý của đối phương mới cướp vợ được. Đây là giá trị văn hóa có từ lâu đời của người Thái cổ, thể hiện sự tự do hôn nhân...”.

Già làng Vi Thanh Đoàn cho biết thêm: “Cướp vợ”, ngoài thời khắc chọn ngày, giờ ra thì một nghi lễ không thể thiếu đó là; chàng trai trước khi đi “cướp vợ” phải mang theo 1 chai rượu, 1 cái đĩa, 4 têm trầu cau và một ít tiền lẻ. Trước khi thực hiện nghi thức “cướp vợ”, chàng trai phải đặt têm trầu cau và chai rượu trên gác bếp (người thái thường gọi là: Xà Khau), rồi mới được cướp vợ về nhà chàng trai. Theo người Thái nơi đây quan niệm rằng, gác bếp quan trọng đối với người phụ nữ, đặc biệt là với mẹ cô gái. Vì gác bếp người Thái thường để lúa, gạo, nên mỗi buổi sáng mẹ cô gái sẽ vào bếp và quan trọng là nhìn thấy lễ vật “báo tin” con gái đã lấy chồng.

“Tuy nhiên, đôi khi vẫn có trường hợp chàng trai chỉ yêu đơn phương và “bắt” không đúng đối tượng thương yêu mình. Trong trường hợp này cô gái sẽ tìm cách trốn khỏi nhà chàng trai hoặc được chàng trai cố tình để cô gái trốn thoát. Trường hợp này, gia đình nhà chàng trai phải làm lễ vật sang nhà cô gái để “đền danh dự” cho nhà gái...”, Già làng Vi Thanh Đoàn nhấn mạnh.

Xin đừng biến văn hóa thành hủ tục

“Bản thân tôi cũng mới trải qua nghi thức “cướp vợ” xong cách đây không lâu, để đến được với nhau tôi và chồng em đều phải trải qua nghi thức “cướp vợ” này. Khi được thực hiện nghi thức này vợ chồng tôi rất hạnh phúc. Đây là nét văn hóa của người Thái chúng tôi, nó không chỉ thể hiện tự do trong hôn nhân mà hơn hết là nét văn hóa dân tộc chúng tôi. Tôi hi vọng rằng, thế hệ trẻ như tôi đừng biến giá trị văn hóa, phong tục tập quán thành hủ tục...”.

(Vi Thị Dung, 20 tuổi, dân tộc Thái, trú tại bản Na Bua, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An)