Các sản phẩm được dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu bao gồm tôm khô và thực phẩm bảo quản lâu dài – tức sản phẩm được cất giữ trong thùng, ngăn, tủ lạnh để sử dụng lâu dài, mồi ăn sử dụng trong ngành thủy sản đã được chiếu xạ, thức ăn cho vật nuôi được chế biến từ thủy sản và thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Australia nới lỏng lệnh cấm khiến nhiều doanh nghiệp chế biến tôm thở phào. Ảnh: T.L
Các sản phẩm nêu trên được dỡ bỏ lệnh cấm là do Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia cho rằng, nguy cơ lây lan virus đốm trắng từ các sản phẩm này là thấp hoặc không có nguy cơ gây nên lây lan.
Việc dỡ bỏ “lệnh cấm” này giúp nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam thở phào nhẹ nhõm sau gần một tháng phải gửi đơn nhờ sự hỗ trợ tác động từ các cơ quan chức năng.
Ông Trần Hoàng Nam - đại diện một cơ sở chế biến tôm xuất khẩu tại Kiên Giang, cho hay, ông nghe thông tin này khi đang ngồi bàn kế “giải quyết” lượng hàng lớn chuẩn bị để xuất khẩu sang Australia bị vướng lại. Ông Nam cho rằng, việc Australia cấm cửa đã khiến doanh nghiệp ông “một phen hú vía” vì lượng hàng ông đã chuẩn bị cho đối tác Australia khá lớn, không xuất khẩu được sẽ phải tìm “mối” khác để bán hàng. Hơn nữa, lệnh cấm dù chỉ trong 6 tháng nhưng sẽ khiến mối quan hệ giữa doanh nghiệp ông với các đối tác Australia bị gián đoạn, ảnh hưởng tới công việc sau này.
Trước đó, trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 7.1 của Chính phủ Australia, trong 6 tháng tới kể từ ngày 9.1, nước này cấm nhập khẩu các sản phẩm tôm và thịt tôm chưa nấu chín có nguồn gốc châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo đó, tất cả những lô hàng đến Australia từ ngày 9.1.2017 sẽ được yêu cầu tái xuất hoặc tiêu hủy. Các lô hàng hiện đang làm thủ tục nhập khẩu vào Australia sẽ bị kiểm tra 100%.
Lệnh cấm này đã khiến nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam “không kịp trở tay” khi đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng hoặc đang trên đường xuất khẩu sang Australia. Tiêu biểu là hai doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Có doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó và đang trên đường vận chuyển hàng tới Australia đã bị trả về. Thiệt hại mà các doanh nghiệp này phải chịu có thể lên tới vài triệu USD.
Hai doanh nghiệp chịu ảnh hưởng này mỗi tháng xuất khẩu sang thị Australia khoảng 100-150 tấn hàng hóa. Việc ngừng ký kết hợp đồng cũng như các hợp đồng đã ký bị trả về đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng các lô hàng bị trả về, mỗi doanh nghiệp thiệt hại khoảng 1,6-1,8 triệu USD. Do vậy, các doanh nghiệp đang kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết việc Chính phủ Australia thay đổi đột ngột không cho thời gian thay đổi chuyển tiếp đã gây cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường Australia gặp rất nhiền khó khăn và thiệt hại rất lớn vì hầu hết các lô tôm đã tẩm ướp theo yêu cầu của thị trường Australia thì không tiêu thụ được ở những thị trường khác.