Cách đây hơn một tháng, trong những ngày ở Bangkok dự AFF Cup 2012, dù đã xác định tư tưởng thất nghiệp, nhưng Công Vinh vẫn tỏ ra rất lạc quan khi nghĩ về tương lai của mình. Đơn giản, nếu giữ Vinh ngày nào, đội bóng của bầu Kiên chỉ mất thêm tiền trả lương cho anh “ngồi chơi xơi nước” ngày đó.
Ngược lại, nếu chịu tạo điều kiện tối đa cho Vinh ra đi, đội Hà Nội sẽ thu về được một khoản tiền để lo cho việc đào tạo trẻ. Còn bản thân CV9 cũng không phải rơi vào cảnh “buồn chân buồn tay”, thấp thỏm chờ đợi ai đó đến “giải thoát” cho mình.
Công Vinh (trái) vẫn chịu ràng buộc không dễ tháo gỡ với CLB Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy |
Thực tế, đội Hà Nội cũng đã "đại hạ giá" chân sút người Nghệ An. Nhưng ngay cả con số khoảng 5 tỷ đồng để có Vinh, cũng chẳng có đội nào tỏ ra mặn mà. Vậy nên, câu chuyện Công Vinh thất nghiệp ở mùa giải 2013 tưởng chỉ nói cho vui mà đang dần trở thành hiện thực.
Trăm sự cũng chỉ tại cái Quy chế bóng đá chuyên nghiệp mới nhất được VFF ban hành ngày 25.4.2012 còn quá nhiều “lỗ hổng”.
Thực tế, cách đây gần 2 tháng, đứng trước tình trạng nhiều cầu thủ có nguy cơ thất nghiệp vì ông bầu bỏ (hoặc dọa bỏ) bóng đá, Chủ tịch VFF Nguyễn Trong Hỷ đã nói: “Hiện VFF đang bổ sung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp theo hướng bảo vệ cầu thủ trước những diễn biến phức tạp.
Không có chuyện cầu thủ vẫn bị ràng buộc trong trường hợp CLB chủ quản không đăng ký dự giải hoặc tuyên bố giải tán. Cầu thủ họ là người lao động và phải được quyền lao động, được quyền chơi bóng”.
Lắc đầu với bản hợp đồng dài hạn chuyên trách dẫn dắt đội tuyển, HLV Hoàng Anh Tuấn cũng không mặn mà với phương án tạm quyền kiêm nhiệm. |
Tiếc là cái Quy chế đó đến giờ vẫn… đang được sửa, và những cầu thủ như Công Vinh vẫn chỉ biết mòn mỏi chờ đợi.
Quy chế bóng đá chuyên nghiệp chưa thể bảo vệ cầu thủ đã đành, ngay cả VPF cũng đang rất lúng túng vì cái quy chế đó. Cách đây chưa lâu, trước thời điểm hạn chót đăng ký tham dự mùa giải 2013, một quan chức lão làng ở VPF lo lắng tâm sự: “Trước đây, khi đội bóng vi phạm quy chế, cứ nói tới việc bị loại khỏi giải hoặc đánh xuống hạng, ai cũng đều rất sợ.
Nhưng giờ thì không! Tôi đang e ngại là ngay cả trường hợp các đội bóng đã đăng ký dự giải, nhưng trước ngày khởi tranh hoặc khi giải đang diễn ra, họ lại bỏ với lý do không đủ tài chính. Khi diễn ra trường hợp như vậy, chúng ta chưa có chế tài nào xử phạt họ” (?!).
Và dường như cảm thấy quá bất an, nên VPF đã tính tới phương án thuê chuyên gia Nhật Bản, cụ thể là ông Kazuyoshi Tanabe sang Việt Nam tìm cách “gỡ rối” trong thời gian tới.
Cầu thủ khổ, VPF đau đầu, và VFF cũng không tránh khỏi “vòng xoáy” ấy. Câu chuyện đang thu hút được sự quan tâm của dư luận chính là hành trình VFF đi tìm HLV nội dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam. Nó “nóng” không phải người ta quan tâm xem vị HLV nội được “chọn mặt gửi vàng” là ai, mà chủ yếu để xem “màn kịch” rất lằng nhằng với quá nhiều diễn biến khó lường sẽ được VFF “giải quyết” ra sao?
VFF chuyển từ thái cực này sang thái cực khác để rồi tự vướng vào "mớ" tiêu chí rối tung. Ban đầu họ quyết định tìm HLV nội tạm quyền làm việc chuyên trách ở 2 trận đầu tiên của đội tuyển tại vòng loại Asian Cup 2015.
Nhưng sau đó vì chẳng HLV nào dám nhận, VFF quay qua chấp nhận phương án ký hợp đồng dài hạn làm việc chuyên trách với ứng viên tưởng như đã “đóng khung” là HLV Hoàng Anh Tuấn.
Khi ông Tuấn từ chối (do e ngại những luồng ý kiến trái chiều từ nội bộ VFF), VFF lại chấp nhận phương án HLV tạm quyền được phép kiêm nhiệm lên tuyển theo dạng triệu tập chứ không ký hợp đồng.
Tới phương án cuối cùng này, VFF tưởng sẽ không mấy khó khăn để tìm ra gương mặt sáng giá có “đủ đức đủ tài” nhận lời. Thế nhưng cho đến lúc này, tất cả vẫn đang bế tắc với nhiều thông tin rất “ảo”. Những gương mặt sáng giá như HLV Huỳnh Đức, Hữu Thắng và cả Hoàng Anh Tuấn được VFF mời lại đều không mặn mà, ban đầu nói khéo "cần thêm thời gian suy nghĩ", và sau đó từ chối. Vì sao?
Theo các quy định của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, thì CLB, HLV và cầu thủ phải có trách nhiệm lên đội tuyển khi được triệu tập. Nhưng “cái khó” nhất là Quy chế chỉ nói tới việc kỷ luật các HLV, cầu thủ theo Quy định về kỷ luật của VFF, chứ không đề cập tới chế tài áp dụng với CLB trong trường hợp “chống lệnh” không cung cấp HLV, cầu thủ cho tuyển?
Ở đây cần phải thấy rõ, rất nhiều HLV muốn lên tuyển đóng góp sức mình bởi đó là danh dự, ý nghĩa màu cờ sắc áo thiêng liêng. Thêm nữa, chỉ làm việc tạm quyền kiêm nhiệm thì có mất gì đâu, nếu không muốn nói là chỉ có... được! Khổ nỗi họ còn có ràng buộc với CLB nên không thể tự ý quyết được. Nếu cái Quy chế bóng đá chuyên nghiệp được làm một cách cụ thể, minh bạch hơn, thì đâu đến nỗi?
Loanh quanh một hồi, hóa ra từ cầu thủ, HLV tới quan chức VPF, VFF đều đang rất “khổ” vì… cái Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam!
Tuệ Minh
1. Câu lạc bộ:
a) Câu lạc bộ có trách nhiệm cung cấp huấn luyện viên và cầu thủ cho Đội dự tuyển quốc gia, Đội tuyển quốc gia theo quy định của FIFA và LĐBĐVN.
b) Câu lạc bộ cung cấp huấn luyện viên và cầu thủ cho Đội dự tuyển quốc gia, Đội tuyển quốc gia không được hưởng khoản bồi thường về tài chính, trừ khi có quyết định khác của LĐBĐVN.
c) Câu lạc bộ có trách nhiệm duy trì chế độ lương, phụ cấp và các lợi ích khác (bao gồm chế độ bảo hiểm) của huấn luyện viên và cầu thủ theo quy định của hợp đồng lao động trong thời gian huấn luyện viên, cầu thủ tập trung cho Đội dự tuyển quốc gia, Đội tuyển quốc gia.
2. Huấn luyện viên và cầu thủ:
a) Huấn luyện viên và cầu thủ có nghĩa vụ chấp hành quyết định triệu tập vào Đội dự tuyển quốc gia, Đội tuyển quốc gia. Trường hợp không chấp hành quyết định triệu tập vì lý do bất khả kháng hoặc có lý do chính đáng thì huấn luyện viên, cầu thủ phải báo cáo với LĐBĐVN và được LĐBĐVN chấp nhận. Trường hợp vì lý do sức khoẻ thì huấn luyện viên, cầu thủ phải có giấy chứng nhận của bác sỹ do LĐBĐVN chỉ định.