Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chiều ngày 8.2, ông Tống Hải Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết đơn vị này đang gấp rút xây dựng đề án.
“Muốn triển khai trước mắt cần phải thực hiện việc đánh giá nhu cầu thị trường cần tuyển lao động có trình độ kỹ thuật cao. Tiếp sau đó, thực hiện đánh giá nguồn cung về nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Từ đó khớp nối dữ liệu mới có thể lên đề án thực hiện” – ông Nam nói.
Theo ông Nam, mặc dù Việt Nam hiện nay có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp nhưng chưa có con số thống kê chính thức nào cho thấy những cử nhân này thuộc ngành nào. Ngoài ra, đa số cử nhân của Việt Nam cũng có hạn chế về ngôn ngữ, kỹ năng. Do đó, nếu muốn xuất khẩu lao động với nhóm này thì cần thực hiện đào tạo tăng cường về ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Chỉ khi có dữ liệu thì đơn vị mới tính toán lập đề án được.
“Qua tìm hiểu, một số thị trường như Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel… đang cần tuyển lao động trình độ kỹ thuật cao. Các thị trường đó chỉ cần lao động ở một số chuyên ngành như: Điều dưỡng, kỹ thuật, cơ khí, xây dựng… không có nhu cầu lao động ở các chuyên ngành nghiên cứu, xã hội” – ông Nam nói thêm.
Điều dưỡng vlên đang cho thu nhập cao nhưng không nhiều lao động đáp ứng nhu cầu để đi làm việc ở Nhật. Ảnh minh hoạ IT.
Ông Nguyễn Xuân An - Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam nhìn nhận đây là cơ hội rất tốt cho lao động Việt Nam. Hiện nay, có rất nhiều nước chưa có chính sách tiếp nhận lao động phổ thông, mà chỉ ưu tiên tiếp nhận lao động có trình độ chuyên môn.
“Mục tiêu của xuất khẩu lao động là giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đào tạo nguồn nhân lực. Nếu đề án sớm triển khai, chúng ta sẽ giảm xuất khẩu lao động có trình độ tay nghề thấp, làm những việc nặng nhọc, độc hại, lương thấp. Với lao động có trình độ tay nghề cao, việc học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt chuyên môn sẽ nhanh chóng hơn, hình ảnh và uy tín của lao động Việt Nam cũng sẽ được nâng lên”, ông An nói.
Về phía Bộ, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, thời gian qua Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lao động có trình độ tay nghề thấp. Vài năm gần đây, Bộ bắt đầu đưa những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nhóm ngành điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang Hàn Quốc theo chương trình Visa E7. Tuy nhiên, số lượng lao động đi theo những chương trình này còn rất hạn chế.
“Chúng ta đang có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Do đó, xuất khẩu lao động có trình độ kỹ thuật là hướng đi mới giải quyết việc làm cho số sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định”, ông Diệp nói.