Dân Việt

Gieo chữ giữa non ngàn cực bắc

21/11/2010 04:31 GMT+7
(Dân Việt) - Cheo leo trên vách núi, điểm trường lớp 1 tại bản Thuồng Luồng 2 nhỏ như một túp lều. Xã Xín Cái, một trong những xã biên giới xa xôi nhất của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có 9 điểm trường như thế.

Cô giáo trẻ Chương Thị Yên đã khóc khi mới đến nhận lớp, bản xa quá, heo hút quá. Từ trung tâm xã vào hơn 2 chục cây số, quá nửa là đường mòn treo trên miệng vực.

Bản có 24 nóc nhà chủ yếu là người Giáy gửi tới cô Yên 14 đứa trẻ lít nhít, chưa đứa nào nói được tiếng phổ thông. Tay lấm lem đất cát quệt ngang mũi thò lò, miệng đọc o …a, con chữ cứ thế thấm dần vào bọn trẻ. Lớp nằm trên sườn núi, nhà trong bản cũng thế nhưng rải rác ở sườn núi bên kia, đến giờ học, cô Yên nổi một hồi mõ tre lốc cốc gọi đàn trẻ. Cả ngày, cô trò quấn quýt cùng nhau.

Vui là thế, nhưng khi chiều xuống, còn lại một mình trên sườn núi, nỗi cô quạnh, nỗi nhớ nhà, nhất là đứa con thơ lại tê tái ập về. Xua nỗi buồn trong sương đêm, cô giáo trẻ chỉ biết làm bạn cùng ánh đèn bên trang giáo án.

img
Cứ 7 giờ sáng, cô Yên gióng lên hồi mõ tre gọi đàn trẻ tới lớp.
img
Căn nhà lá do bà con trong bản góp sức dựng lên là nơi gieo chữ cho những em thơ bản Thuồng Luồng 2.
img
Sau giờ học, cô lại "theo" những đứa trẻ, chúng "dạy" cô về núi rừng quanh bản.
img
Cô Yên trong con mắt và nét vẽ của lũ trẻ.
img
Học sinh của cô Yên khi tới lớp còn thò lò mũi xanh, tóc tai dựng ngược khiến cô tốn khá nhiều thời gian chăm sóc.
img
Đêm đêm, cây nến và cuốn giáo án là người bạn đồng hành của cô Yên cũng như hàng vạn giáo viên cắm bản.
img
Bát mèn mén, món quà đơn sơ từ phụ huynh học sinh.