Dân Việt

Tôi tin vào những ước mơ

21/11/2010 14:33 GMT+7
(Dân Việt) - Như bao bạn bè cùng trang lứa, thuở ấu thơ tôi có một mái ấm với người cha ngày ngày đi làm thuê cuốc mướn, mẹ chiu chắt từng đồng lo cho chồng, nuôi con. Dù nghèo khó nhưng đó có lẽ là những tháng năm tôi sống hạnh phúc, vui vẻ nhất.
img
Lê Thị Kim Hoa.

Khi tôi vừa vào học lớp 1 thì tai họa ập xuống gia đình. Cha đi vác gỗ thuê gặp nạn không qua khỏi, nợ nần khắp nơi không trả được. Sau một năm để tang cha, mẹ đi bước nữa. Nghe nói dượng từng là cai bãi vàng khét tiếng đã giải nghệ, đã một đời vợ nhưng tan vỡ vì không có con, gá nghĩa với mẹ tôi mong có người nối dõi.

Hơn 1 năm sau khi có dượng, mẹ tôi sinh em bé. Nào ngờ, khi em tôi tròn 2 tuổi thì dượng đột ngột phát bệnh, nằm liệt mấy tháng rồi qua đời. Mẹ suy sụp, hoảng loạn như con thuyền mất lái trên sông Lam.

Một sáng mùa đông lạnh lẽo, mẹ gửi em bé đến nhà bà ngoại, đưa tôi đến tận cổng trường tiểu học, dặn dò đủ thứ, rồi mẹ bảo phải lên bệnh viện huyện lấy kết quả xét nghiệm gì đó. Mẹ đi từ buổi sáng hôm ấy và không quay về cùng chị em tôi nữa. Sau này, có người hàng xóm bảo đã gặp mẹ trên chuyến xe vào Tây Nguyên, nghe đâu mẹ bị bệnh gì nặng lắm, phải đi thật xa để chữa.

Mất cha, xa mẹ, chị em tôi không bơ vơ vì vẫn còn bà ngoại, dù khi ấy tuổi bà đã ngoài 60. Nghe dân làng khuyên, tôi cùng ngoại nhiều lần đưa em đi khám, xét nghiệm nhưng thật may, em tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Ba bà cháu sống dựa vào khu vườn rau trước nhà. Mùa nào rau ấy, sáng sáng tôi dậy sớm cùng ngoại hái rau. Cuộc sống thiếu thốn, chị em tôi bảo nhau phải gắng học thật giỏi, ngoài giờ trên lớp thì ra đồng mò cua, bắt tép, ai thuê gì làm nấy để đỡ đần bà.

Ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngoại mừng đến trào nước mắt. Hàng xóm đến chia vui nhưng ai cũng ái ngại vì... học đại học sẽ tốn nhiều tiền. Tôi biết trong lòng ngoại lo âu lắm nhưng bên ngoài người vẫn cứng cỏi: "Bà sẽ vay mượn để các con tiếp tục học, sau này mới sướng được".

Giờ đây, tôi đã là sinh viên năm thứ 3 và chẳng còn xa nữa, ước mơ về tấm bằng cử nhân kinh tế sẽ thành hiện thực. Cả tôi, bà ngoại và em gái đã vượt qua những tháng ngày vất vả với bao khoản cần chi phí vây quanh. Thật may, tôi được miễn học phí, được ở trong ký túc xá, được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để trang trải chi phí, được nhận học bổng ngoài ngân sách, tìm được một chỗ gia sư phù hợp để có thêm tiền thỉnh thoảng gửi về giúp bà và em...

Hôm vừa rồi, ngay sau khi cơn lũ lịch sử tàn phá quê nhà rút đi, biết tôi lo lắng, ngoại bảo em viết thư gửi ra Hà Nội: "... Lũ rút rồi, ngoại và em bình an, chỉ có vườn rau là hỏng hết. Hai bà cháu đang vun luống để gieo đợt rau mới. Chị yên tâm học thật tốt nhé! Ngoại mong sau này chị em mình có công việc ổn định để tiếp tục thực hiện ước mơ... đi tìm mẹ".

Vâng! Tôi tin vào những ước mơ chính đáng. Bởi trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, tôi nhận ra mình không dễ gục ngã...