Virus Zika từng gây nên bi kịch cho 2.000 đứa trẻ sinh ra với dị tật đầu nhỏ
Một năm sau khi cơ bản dập tắt được dịch bệnh Zika, báo cáo của Cơ quan y tế công cộng cho thấy rất ít trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh được ghi nhận. “Tuy chỉ còn vài trường hợp lẻ tẻ, nhưng giống như bất kỳ loại virus nào, Zika vẫn tồn tại và hoàn toàn có thể xuất hiện”, Tiến sĩ Adriana Melo cho biết.
Sau đại dịch vào cuối năm 2015, Melo là nhà khoa học đầu tiên yêu cầu các nhà nghiên cứu liên bang kiểm tra nước ối của các bào thai đang có vấn đề về não để khẳng định mối liên hệ giữa hội chứng teo não và virus Zika. Đây là một căn bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, do muỗi mang virus truyền sang. Dịch bệnh này đã lan rộng đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi bùng phát lần đầu tiên ở Brazil trong năm 2015.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết số ca mắc Zika ở Brazil và khu vực Mỹ - Latin hiện nay thấp hơn rất nhiều so với thời điểm này năm ngoái, nhưng các nước vẫn phải tiếp tục nâng sự cảnh giác ở mức cao nhất. Bởi vì ít nhất 1,5 triệu người Brazil được cho là đã bị nhiễm virus Zika, một số người không có triệu chứng bởi cơ thể có khả năng miễn dịch.
Khi chứng kiến người dân Brazil đang lơ là với các biện pháp phòng chống muỗi, các nhà khoa học trong đó có Melo cảnh báo: “Virus này hoàn toàn có khả năng biến đổi” và đưa ra dẫn chứng với bệnh sốt xuất huyết, một căn bệnh cũng do muỗi gây ra, phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Theo đó, trong quá khứ, virus gây bệnh sốt xuất huyết từng gây nên những đợt dịch lặp đi lặp lại và có tới 4 chủng huyết thanh khác nhau.
“Mọi người không nên nghĩ rằng Zika đã biến mất hoàn toàn. Nó hoàn toàn có thể trở lại, bây giờ hoặc sau này, và tại bất cứ đâu. Tôi sợ rằng mọi người đang mất cảnh giác”, Melo nói.