Dân Việt

Năm cao điểm về ATTP 2017: “Đánh” mạnh hóa chất, kháng sinh

Đình Thắng 11/02/2017 19:15 GMT+7
“Trong năm 2017 các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, lên án mạnh mẽ, xử lý mạnh tay những cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp 2017, diễn ra ngày 10.2.

5.800 cơ sở nông nghiệp vi phạm ATTP

img

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất phân bón giả tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng).  Ảnh: D.T

Trong sản xuất nông nghiệp liệu chúng ta có cần đến hơn 10.000 loại phân bón, hơn 10.000 loại thuốc BVTV, vừa khiến cho nông dân khó lựa chọn, vừa khiến cho công tác gặp nhiều khó khăn trong quản lý. Hiện nay vẫn còn tình trạng bộ này cho nhập một số chất cấm, bộ kia lại cấm sử dụng, chúng ta buông lỏng đầu vào, rồi rất vất trong kiểm soát đầu ra mà hiệu quả kiểm soát không cao”. 

Ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp

Trong 5 năm liên tục (2011-2015), Bộ NNPTNT đã triển khai “Năm chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP”, đặc biệt năm 2016 được Bộ NNPTNT chọn là “Năm cao điểm hành động về vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp”. Đánh giá về năm hành động an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Văn Việt – Chánh thanh tra Bộ NNPTNT cho biết: “Trong năm 2016, thị trường vật tư nông nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, đối mặt với nhiều khó khăn. Tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ, thời vụ có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc kiểm soát các mặt hàng vật tư nông nghiệp. Trên thị trường xuất hiện các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không có trong  danh mục được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam”.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “Năm 2016 các cơ quan trung ương và địa phương đã tổ chức thanh kiểm tra 29.214 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giống cây trồng, giống vật nuôi và đã phát hiện, xử lý 3.877 cơ sở vi phạm quy định về chất lượng, ATTP (chiếm 13%) với tổng số tiền xử phạt hành chính là 21.964 triệu đồng. Đối với việc sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, các cơ quan trung ương địa phương cũng đã kiểm tra 21.364 cơ sở, trong đó phát hiện xử lý 1.923 cơ sở vi phạm quy định ATTP với tổng số tiền xử phạt lên tới 6.692 triệu đồng”.

Sản xuất theo chuỗi sẽ đẩy lùi vi phạm

img

Ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: “Hà Nội có trên 10 triệu người dân sinh sống, vì vậy vấn đề đảm bảo ATTP cho người dân thành phố là nhiệm vụ rất nặng nề và quan trọng. Để đảm bảo ATTP, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017.

Hiện nay, thành phố đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất chất lượng, tập trung, 3.500ha diện tích rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, đã hình thành rõ nét 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 3.232 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Cũng như Hà Nội, hiện nay TP.HCM cũng đang tập trung phát triển vùng sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Lãnh đạo thành phố này cho biết, trong năm 2016 thành phố đã tổ chức rất nhiều đoàn thanh kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua công tác tăng cường kiểm tra giám sát, tỷ lệ vi phạm của các hộ chăn nuôi trồng trọt đã giảm mạnh. Thành phố cũng đã liên kết với 18 địa phương để cung cấp các mặt hàng nông sản đủ đáp ứng cho 12 triệu người dân của thành phố

Bộ trưởng Bộ NNPTNT  Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Mục tiêu chính của kế hoạch năm 2017 là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh ATTP; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu”.