Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa công bố nghiên cứu về cơ chế lan truyền và xây dựng mô hình giám sát vi khuẩn kháng đa thuốc với các chuỗi thực phẩm tại Việt Nam. Nghiên cứu đã được tiến hành tại 5 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Thái Bình, Nha Trang, TP. HCM và Cần Thơ trong năm 2016. Theo đó, 60% người lành mang vi khuẩn kháng kháng sinh và 50% thực phẩm từ gia súc và thủy sản nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh.
Như vậy, nếu ăn phải các thực phẩm nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh này, bị bệnh thì người bệnh các vi khuẩn cũng sẽ kháng kháng sinh, khiến cho việc điều trị khó khăn hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đánh giá nếu tình trạng sử dụng kháng sinh vô tội vạ như hiện nay vẫn tiếp diễn thì có ngày các bác sĩ cũng “lực bất tòng tâm” với bệnh tật, còn người bệnh sẽ vô phương cứu chữa.
Ảnh minh họa. I.T
Theo bác sĩ Cấp, nguyên nhân kháng kháng sinh hiện nay đến từ nhiều đường nhưng “thủ phạm” đều là do chủ quan của con người.
Thứ nhất là do người dân tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc kể bệnh cho người bán thuốc chẩn đoán, kê đơn, hoặc dùng kháng sinh quá liều, bỏ liều một cách vô tội vạ.
Thứ hai, một số bác sĩ cũng góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh khi kê đơn thế hệ kháng sinh cao với tâm lý cho bệnh nhanh khỏi, đỡ phải tái khám, đỡ mang tiếng chữa mãi không khỏi.
Thứ ba, do lây chéo vi khuẩn kháng kháng sinh từ người nọ qua người kia, đặc biệt là trong môi trường bệnh viện.
Đặc biệt, bác sĩ Cấp nhấn mạnh, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi dẫn đến việc thực phẩm có dư lượng kháng sinh cao, hoặc vi khuẩn có trong thực phẩm, môi trường sau khi bị “nhờn” kháng sinh cũng trở nên kháng thuốc. Khi nhiễm phải các vi khuẩn kháng thuốc này thì người bệnh sẽ khó tìm được “vũ khí” kháng sinh phù hợp để chống lại chúng.
Bác sĩ Cấp chia sẻ, hiện nay, vi khuẩn nguy hiểm là tụ cầu vàng đang kháng nhiều loại kháng sinh. Trong khi đó, vi khuẩn này sống trên da, có thể xâm nhập và gây bệnh cho người từ vết xước, mụn nhọt, gây các bệnh nguy hiểm như áp xe phổi, viêm tủy xương, viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết…
Việc điều trị tụ cầu vàng kháng kháng sinh vô cùng tốn kém mà nguy cơ tử vong cũng rất cao.
Ngoài ra, nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột cũng có tỷ lệ kháng kháng sinh lớn. Vi khuẩn này gây nhiều bệnh nặng như viêm ruột, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng máu, viêm phổi trên bệnh nhân thở máy, nhiễm trùng tiết niệu…
Trẻ 2 tuổi đã kháng nhiều loại kháng sinh Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng kháng kháng sinh ngày càng “trẻ hóa” ở các bệnh nhân. Không ít trẻ mới 2-3 tuổi đã kháng nhiều loại kháng sinh, các bác sĩ phải sử dụng kháng sinh thế hệ thứ 2, thứ 3 (loại kháng sinh thế hệ mới nhất) mới có thể đẩy lui được bệnh. Thậm chí, có trẻ mới 8 tháng tuổi bị viêm màng não mủ nhưng kháng kháng sinh, các bác sĩ phải thử nhiều phác đồ điều trị kháng sinh liều cao mới cứu được. “Chi phí thuốc cho các trường hợp kháng kháng sinh cao gấp vài chục lần bệnh thông thường. Thuốc kháng sinh liều cao lên đến 7-8 triệu đồng một lọ, bệnh nhân kháng kháng sinh có thể dùng vài lọ/ngày. Ngoài ra kháng kháng sinh khiến cho việc điều trị chậm chễ, bệnh diễn biến nặng và có nguy cơ tử vong cao” – PGS Dũng cho biết. Theo PGS Dũng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kháng kháng sinh thường do bố mẹ tự ý dùng thuốc kháng sinh cho con hoặc trẻ bị nhiễm các vi khuẩn kháng kháng sinh có trong thực phẩm, môi trường. |