Dân Việt

Vững vàng những chuyến ra khơi

Hoàng Tiến Sỹ 11/02/2017 14:00 GMT+7
Những ngày sau tết nguyên đán, hàng loạt tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đã vươn khơi khai thác thủy hải sản ở ngư trường vịnh Bắc Bộ trở về đầy ắp khoang thuyền cá thu, ngừ, bớp… Niềm vui ánh lên trên khuôn mặt sạm đen nắng gió biển khơi của nhiều ngư dân sau chuyến biển dài ngày.

Cảng cá Cửa Việt từ lúc tờ mờ sáng đã lao xao tiếng nói cười của thương lái với lỉnh kỉnh sọt nhựa, nhấp nhổm ngồi chờ những chuyến tàu đánh bắt xa bờ trở về. Bình minh ló dạng cũng là lúc đoàn tàu đánh bắt xa bờ nối đuôi nhau cập bến. Lần lượt từng mẻ cá thu, ngừ, bớp…được chuyển lên bờ để sau đó tỏa đi khắp các vùng, miền. Chủ tàu đánh bắt xa bờ số hiệu QT 91119 Bùi Xuân Tấn hồ hởi cho biết, mùa này là mùa cao điểm đánh bắt cá thu bằng lưới rê bùng nhùng. Sau chuyến biển này, tàu của ông sẽ tiếp tục ra biển đánh bắt cá thu, ngừ, bớp...

 img

Tàu thuyền của ngư dân chuẩn bị ra khơi

Sở dĩ nói là “mùa cao điểm” bởi nghề đánh bắt cá thu, ngừ, bớp…bằng lưới rê bùng nhùng (hay có nơi gọi là lưới rê hỗn hợp) thường kéo dài từ tháng 9 năm nay cho đến tháng 2 - 3 năm sau. Chuyến biển lần này, tàu ông đánh bắt ở ngư trường vịnh Bắc Bộ trong thời gian 10 ngày. Số lượng cá thu, ngừ, bớp mà tàu ông đánh bắt được có trị giá khoảng 100 triệu đồng (giá cá thu hiện tại giao động từ 200 - 250 nghìn đồng/kg). “Mùa này ra biển thường gặp sóng to, gió lớn nên tàu phải có công suất lớn mới bám trụ được dài ngày trên biển. Như tàu gia đình tôi vừa rồi đầu tư cả chục tỷ đồng để cải hoán nâng công suất lên 1.200 CV với chiều dài thân tàu là 23 m, chiều rộng 6,5 m nên bây giờ sóng to, gió lớn không còn là vấn đề quan tâm. Mới 2 chuyến biển (mỗi chuyến kéo dài từ 15 - 20 ngày) sau khi cải hoán, nâng cấp và hạ thủy, tàu gia đình tôi thu về trên 500 triệu đồng từ tiền bán cá thu, ngừ…từ nghề lưới rê bùng nhùng”, chủ tàu đánh bắt xa bờ số hiệu QT 90019 Võ Huynh phấn khởi nói.

Khi nói về loại lưới rê bùng nhùng là loại lưới đang mang lại những mẻ cá giá trị vài trăm triệu đồng của nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ, lão ngư Võ Linh Quyền ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh với thâm niên gần 40 năm gắn bó nghề biển cho biết, loại lưới rê bùng nhùng được Trung tâm Khuyến ngư tỉnh (trước đây) du nhập vào Quảng Trị tính đến nay cũng gần 20 năm. Và loại lưới này thực sự phát huy hiệu quả trong đánh bắt thủy sản khoảng 10 năm trở lại đây. Trước đây, do tàu có công suất nhỏ, trang thiết bị trên tàu lạc hậu với việc thu lưới bằng tay nên độ dài của lưới khoảng 800 m và cao 10 m (lưới ngắn nên hiệu quả kinh tế trong đánh bắt thủy hải sản thấp).

Hiện tại, hầu hết tàu đánh bắt xa bờ đều có công suất lớn và được trang bị nhiều ngư cụ hiện đại như ra đa hàng hải, máy tầm ngư, máy định dạng lưới, bộ đàm, E com, máy thu lưới rê bùng nhùng… Do được trang bị ngư cụ hiện đại nên độ dài của lưới rê bùng nhùng hiện nay thường có chiều dài 8.000 -10.000 m, cao 38 - 40 m. Do sợi lưới rê bùng nhùng được se từ sợi PE đơn sợi (mỗi sợi lưới gồm 24 - 72 sợi nhỏ xe sơ lại) nên khi thả lưới vào nước biển, sợi lưới bung ra tạo thành nhiều búi nhỏ có màu sắc giống với màu sắc của cá, làm cho cá mắc lưới nhiều hơn. Độ bền của lưới rê bùng nhùng cao (trung bình thời gian sử dụng là 10 năm so với loại lưới thường là 2,5 năm). Đánh bắt thủy hải sản bằng lưới rê bùng nhùng có thể tiến hành trong điều kiện thời tiết xấu với việc gió lớn đến cấp 5 - 6 bởi lưới không bị xoắn như các loại lưới rê thông thường khác nên ngư dân có thể tăng thời gian bám biển. Ngư trường đánh bắt bằng nghề lưới rê bùng nhùng rộng (có thể đánh bắt thủy hải sản ở nhiều vùng biển khác nhau). Đối tượng đánh bắt của nghề lưới rê bùng nhùng là các loại cá có giá trị cao như cá thu, ngừ, chét, bớp, mập, thiều, nghéo, cờ…

Ngoài ra, nghề lưới rê bùng nhùng đánh bắt được cả cá tầng nổi và cá tầng đáy do vùng tác dụng của lưới từ tầng nổi đến sát đáy. Tuy nhiên, hiện nay nghề lưới rê bùng nhùng được đưa vào khai thác, đánh bắt có hiệu quả kinh tế cao nhưng số tàu khai thác chuyển sang nghề lưới rê bùng nhùng chưa nhiều là do vốn đầu tư ban đầu cho ngư cụ rất lớn (trung bình để có một vàng lưới rê bùng nhùng phải đầu tư từ 900 triệu đến 1,2 tỷ đồng); các tàu thuyền khai thác đang làm nghề khác muốn chuyển đổi sang nghề lưới rê bùng nhùng đòi hỏi tàu thuyền phải được cải hoán, nâng cấp lên công suất lớn đề phù hợp với nghề lưới rê bùng nhùng.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh cho biết, trong năm 2016 dù xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng đánh bắt thủy hải sản của địa phương, tuy nhiên thị trấn Cửa Việt luôn khuyến khích, động viên ngư dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để bám biển đánh bắt thủy hải sản; đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền cũng như mua sắm ngư lưới cụ hiện đại để khai thác xa bờ; chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân; các dịch vụ hậu cần nghề cá tiếp tục được đầu tư, nâng cấp như đội tàu thuyền cung ứng đá lạnh, dầu, lương thực, thực phẩm cho tàu đánh bắt xa bờ… Cũng trong năm 2016, trên địa bàn thị trấn Cửa Việt đã có 12 tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn (7 tàu vỏ gỗ và 5 tàu vỏ thép) được đóng mới, hoàn thành, đưa vào sử dụng; 31 hồ sơ nâng cấp, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ đang được gấp rút triển khai. Nhờ đó, sản lượng khai thác thủy hải sản của thị trấn Cửa Việt đạt 6.371,7 tấn (tăng 721,7 tấn so với kế hoạch năm) trong đó cá, mực xuất khẩu 1.400 tấn. Các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản trên địa bàn thị trấn đã thu mua 5.232 tấn thủy hải sản góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm thủy hải sản đánh bắt được.

Trong năm 2017, thị trấn Cửa Việt đặt ra mục tiêu là sản lượng khai thác thủy hải sản đạt 6.500 tấn trong đó cá, mực xuất khẩu 1.500 tấn; chế biến cá khô 3.500 tấn; chế biến nước mắm 170 tấn… Trở về từ những chuyến biển đầu năm, niềm vui của ngư dân thị trấn Cửa Việt không giản đơn gói gọn sự ấm no bằng khoang thuyền đầy cá. Với họ, được rẽ sóng vươn khơi trên vùng biển quê hương còn là niềm tự hào để khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.