Dân Việt

Nỗi ám ảnh mang tên... người giúp việc

Tùng Anh 15/02/2017 06:00 GMT+7
Ước tính cả nước hiện có khoảng 300.000 người giúp việc (NGV) gia đình. Họ thực sự là “chỗ dựa”, giúp đỡ cho rất nhiều gia đình trong cuộc sống, sản xuất, làm ăn... Tuy nhiên, cũng đã có một số NGV có những hành vi như trộm cắp tài sản của chủ nhà, hành hung, thậm chí là sát hại chủ nhà... Vì sao có tình trạng này và giải pháp nào để ngăn chặn?

Thuê nhầm… kẻ trộm

Như Báo NTNN đã thông tin, ngày 12.2, Công an TP.Huế đã phá nhanh vụ án, bắt giữ nghi phạm trộm cắp tài sản gần 70 lượng vàng của một chủ khách sạn. Đối tượng được xác định đã từng giúp việc trong nhà người bị hại và đây là lần… thứ 9 lấy cắp vàng của chủ nhà.

img

 Phan Thị Hòa chỉ nơi cất giấu tài sản do trộm cắp mà có. Ảnh: CQĐT

Các trung tâm phần lớn chỉ môi giới, lấy tiền hoa hồng giới thiệu là xong. Từ đó mọi thỏa thuận đều diễn ra giữa chủ nhà và NGV. Khi xảy ra vấn đề bất lợi cho chủ nhà như mất đồ, bị hành hung… NGV tự động “bay hơi”, chủ nhà cũng không có cách nào để “bắt đền” công ty môi giới cả”.

Chị Nguyễn Thị Phương
(Ba Đình, Hà Nội)

Người bị mất trộm là chủ khách sạn Hoàn Kiếm (phường Vỹ Dạ, TP.Huế), số tài sản bị mất là khoảng 70 lượng vào SJC, trị giá gần  2,5 tỷ đồng. Nghi phạm thực hiện hành vi trộm cắp  là Phan Thị Hòa (32 tuổi) trú thôn Lại Tân, Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế.

Hòa khai từng làm thuê cho chủ khách sạn Hoàn Kiếm nên biết rõ “đường đi lối lại” trong nhà và quan sát thấy chủ đếm tiền và cất tiền nhiều lần. Xác định được chủ nhà hay cất chìa khóa trên tủ, Hòa đã lấy trộm đến 9 lần với số vàng lên tới gần 70 lượng. Sau khi lấy được tài sản, Hoa đã dùng để xây nhà, gửi tiết kiệm…

Đây không phải lần đầu tiên, những vụ trộm cắp tài sản do chính người giúp việc thực hiện xảy ra. Ngày 18.11.2016, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng bắt giam Khúc Thị Hiền (36 tuổi) quê Phú Thọ và chồng là Nguyễn Tự Hào (40 tuổi) về hành vi trộm cắp tài sản. Người bị mất tài sản không phải ai khác chính là chủ nhà mà Hiền làm giúp việc gia đình ở đó.

Làm việc với cảnh sát, Hiền khai, giữa tháng 10.2016, cô đến nhà ông N để giúp việc thông qua trung tâm môi giới việc làm. Ngày 18.10, lúc dọn phòng ngủ của gia chủ, Hiền thấy chùm chìa khóa nên đem mở tủ trong phòng. Sau khi lấy trộm số tiền gần 1,6 tỷ đồng, nữ giúp việc đã mang về chỗ ở trọ, gọi chồng lên để mang tiền về quê cất giấu.

Không chỉ trộm cắp tài sản, nhiều vụ đánh đập, giết người mà thủ phạm là giúp việc gia đình cũng đã xảy ra gây bức xúc dư luận. Ngày 22.12.2012 người dân tại huyện Đăk Đoa, Gia Lai đã không khỏi bàng hoàng về cái chết của hai mẹ con chị Th – chủ quán cà phê tại đây. Thủ phạm gây ra án mạng chính là Nguyễn Thanh Tú (19 tuổi) và Nguyễn Ngọc Hiền (21 tuổi, cùng ngụ Bình Phước). Sau khi đến xin việc làm tại quán cà phê của chị Th và được chị Th đồng ý cho ăn, ngủ luôn trong nhà, Hiền và Tú đã nảy sinh ý định giết người cướp tài sản. Sau khi đoạt mạng 2 phụ nữ, Tú và Hiền bỏ trốn cùng với toàn bộ trang sức, 3 điện thoại di động, 3,5 triệu đồng và xe máy của nạn nhân.

Ngày 28.6.2009, bà Nguyễn Thị Kim Kh (sinh năm 1942) ở phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội đã tử vong với nhiều nhát dao đâm chí mạng. Hung thủ không phải ai khác chính là Trần Thị Vui (16 tuổi, quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), là giúp việc trong nhà bà Kh. Sau khi gây án, Vui đã dùng khóa mở két sắt lấy toàn bộ số tài sản gồm tiền, đô la Mỹ cùng vàng bạc trị giá khoảng 250 triệu đồng.

Làm gì để khỏi… “nuôi ong tay áo”?

Nhu cầu thuê giúp việc gia đình đang ngày càng trở lên thiết yếu, nhất là đối với những gia đình có điều kiện ở các đô thị lớn. Đây cũng là lý do để những nguy cơ đe dọa đến tài sản và tính mạng của chủ nhà từ NGV ngày càng gia tăng do tuyển chọn NGV không kỹ càng.

Theo lực lượng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hà Nội, không chỉ dừng lại ở các hành vi trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gia chủ, một số người giúp việc trong các gia đình khá giả còn cài bẫy “tống tình” ông chủ để tống tiền một cách trắng trợn và đê hèn. Nghiêm trọng hơn, có những người giúp việc đang tâm lừa gạt gia chủ, bắt cóc con cái của họ để de dọa, hòng cưỡng đoạt tài sản. có những trường hợp người giúp việc móc nối với đối tượng bên ngoài để “bán” thông tin bí mật đời tư, tình trạng sức khỏe, công việc… của chủ cho đối phương của họ để thực hiện các hành vi xấu khác.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công an phường Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, tại địa bàn phường cũng từng xảy ra một số vụ việc NGV trộm cắp tài sản của chủ nhà. Khi cơ quan công an làm rõ thủ phạm, lúc đó gia chủ mới giật mình vì sự chủ quan, mất cảnh giác của họ trong cách tuyển NGV. Đa số những gia đình bị NGV lợi dụng sơ hở để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều thông qua người quen, hoặc các trung tâm để thuê mang tính chất “thời vụ”, không nắm được kỹ càng nhân thân của NGV. Trong quá trình cùng ăn ở, gia chủ cũng ít khi kiểm soát nên không phát hiện sớm ra những thói tắt mắt, hành vi thiếu ngay thẳng trong sinh hoạt của NGV nên mới để xảy ra hậu quả lớn hơn...

Tuy nhiên, nhiều gia đình cho biết, họ khó có thể tuyển được một NGV chất lượng và không có cơ sở nào để “bảo hành” NGV khi xảy ra những sự cố. Chị Nguyễn Thị Phương (phố Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) đã từng thay qua gần chục NGV trong vòng 6 năm qua. Chị  cho biết, có người thì lười làm, ăn nói hỗn xược, có người táy máy, trộm cắp... Trước chị có tuyển NGV thông qua trung tâm giới thiệu việc làm và được quyền “đổi” người 3 lần trong 1 tháng nếu không ưng. “Tuy vậy, các trung tâm phần lớn chỉ môi giới, lấy tiền hoa hồng giới thiệu là xong. Từ đó mọi thỏa thuận đều diễn ra giữa chủ nhà và NGV. Khi xảy ra vấn đề bất lợi cho chủ nhà như mất đồ, bị hành hung… NGV tự động “bay hơi”, chủ nhà cũng không có cách nào để “bắt đền” công ty môi giới cả” – chị Phương nói.

Chị Nguyễn Thái Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mặc dù đã rất cẩn thận “nhìn người” khi tuyển chọn nhưng gia đình chị cũng đã từng 2 lần bị NGV ăn cắp tiền và điện thoại. Tuy nhiên, chị Linh cũng thừa nhận, việc NGV “tắt mắt” cũng có phần lỗi ở chủ nhà: “Đối với NGV có tính gian dối không nói làm gì, nhưng việc bảo quản đồ của chủ cũng có thể khiến NGV nổi lòng tham. 1 lần, 2 lần người ta còn nhắc. Đến lần thứ 3, thấy mình quá cẩu thả người ta sẽ nghĩ đến việc lấy trộm đồ của mình” – chị Linh thừa nhận.

Ký kết hợp đồng lao động, sẽ giảm thiểu sự bất an

Thế giới có khoảng 53 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ giúp việc gia đình (GVGĐ), trong đó 83% là nữ giới. Hàng năm Việt Nam cũng đưa hàng nghìn lao động nữ đi làm  GVGĐ ở nước ngoài, chủ yếu ở Cộng hòa Síp, Arab Saudi, Đài Loan… Mặc dù số lượng còn ít, nhưng xu thế cho thấy những con số này sẽ tăng lên nhanh chóng trong vài năm tới. Bên cạnh đó thị trường GVGĐ nội địa ngày càng gia tăng. 
Khảo sát không chính thức của Trung tâm CFCD cho thấy năm 2014 ước tính ở nước ta có hơn 200.000 lao động GVGĐ, hiện nay thì có khoảng 300.000 và dự báo đến 2020 lực lượng lao động này có thể lên tới 350.000 người, chủ yếu làm công việc giúp việc bán thời gian. Tuy nhiên, việc quản lý giám sát GVGĐ còn yếu, nên thường xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc. Ví dụ như trộm đồ, bạo hành, thích thì làm không thích thì thôi… của NGV khiến cho nghề này chưa được chuyên nghiệp hóa.  Cách duy nhất để hạn chế tình trạng này là minh bạch, gia chủ cũng như giúp việc cần thực tuân thủ việc giao kết hợp đồng lao động. 

TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Khó ép lao động giúp việc chuyên nghiệp 

Mỗi ngày trung tâm tiếp nhận hàng chục cuộc điện thoại yêu cầu tuyển NGV, nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu được cho 1-2 gia chủ. Nguồn cung thiếu cũng là nguyên nhân khiến cho các gia chủ không có nhiều sự lựa chọn. Họ chấp nhận việc lao động đưa ra yêu sách, thậm chí mặc cả cả về mức tiền lương “trên trời”. Do lao động GVGĐ phần đông từ quê ra nên nhận thức của họ về nghề này còn chưa tốt. Nhiều người thường có tâm lý thích thì làm, không thích thì thôi. Quá trình tư vấn, giới thiệu việc làm, khá nhiều gia đình gọi tới phàn nàn về chất lượng, thái độ phục vụ của NGV, thậm chí phát hiện NGV có tính tắt mắt, trộm vặt nhưng vì chưa tìm được người thay thế nên cũng đành… dùng tạm”.

Bà Nguyễn Thị Lâm (Trung tâm giúp việc ở quận Tây Hồ, Hà Nội) 

Nhiều gia chủ chỉ coi giúp việc là người ở 

Tôi từng đi làm cho nhiều gia đình, nhưng hầu hết các gia đình chỉ coi chúng tôi như “người ở”. Chính vì vậy, chúng tôi lúc nào cũng có cảm giác mặc cảm, mặc dù ăn  ở nhà người ta nhưng lúc nào cũng có cảm giác không vui vẻ, vì vậy cũng không thể có sự gắn kết, cống hiến hết mình cho công việc được. Có lẽ cũng bởi vậy nên một số NGV mới bức xúc, làm việc với thái độ chống đối, thậm chí trộm đồ, có những hành vi không đúng chỉ để trả đũa. 

Bà Nguyễn Thị Thọ (ở  Thanh Hóa, giúp việc gia đình ở
quận Hoàng Mai, Hà Nội) 

Nguyệt Tạ (ghi)