Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (CFCD).
Thưa bà, gần đây dư luận rất ngạc nhiên, bức xúc về trường hợp 1 NGV ở Huế trộm cắp hàng chục cây vàng của chủ. Vì sao ngày càng có nhiều vụ án liên quan tới NGV, bà có thể lý giải?
- Thực ra vấn đề này không mới, lâu lâu vẫn nổi lên một vài trường hợp, với những vụ việc rất điển hình. Để xảy ra những hiện tượng này có thể từ nhiều phía. Đầu tiên phải kể tới lỗi từ phía những NGV có thói quen xấu, hay tắt mắt, thích trộm đồ. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới lỗi của chính các gia đình gia chủ trong việc dễ dãi lựa chọn NGV, không quản lý giám sát NGV.
Năm 2015 CFCD và Viện khoa học dạy nghề (Bộ LĐTBXH) đã nghiên cứu và xây dựng được Bộ tiêu chuẩn về giúp việc gia đình. Tuy nhiên, sau một thời gian trình Bộ LĐTBXH, Tổng cục Dạy nghề, tới nay các đơn vị này vẫn chưa ban hành được Bộ tiêu chuẩn. Do vậy, các trung tâm, đơn vị thực hiện dạy nghề giúp việc gia đình chưa có khung chương trình, giáo trình dạy nghề mà chủ yếu tự dạy theo kinh nghiệm có sẵn. |
Tiếp theo đó, sự buông lỏng trong quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này cũng khiến cho thị trường lao động giúp việc gia đình có nhiều vấn đề. Trong khi nhu cầu NGV lại cao, thiếu sự lựa chọn, dẫn đến nhiều người không có sự lựa chọn, phải sử dụng dùng NGV không ưng ý. Bản thân những người tham gia thị trường giúp việc thì không có sự đối thoại vì vậy dễ nảy sinh những vấn đề xung đột, tranh cãi, mâu thuẫn, đánh nhau, không trả lương, trộm đồ, bỏ việc giữa chừng…
Về thực trạng như bà nói, một trong các nguyên nhân chính có phải do pháp luật chưa quy định cụ thể về vai trò trách nhiệm của nghề giúp việc gia đình?
- Hiện nay Bộ luật Lao động năm 2012 và Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến cũng có quy định cụ thể về việc sử dụng, tuyển dụng, thử việc cũng như ký hợp đồng với lao động giúp việc gia đình. Nghị định 27, Thông tư 19 cũng đã có những hướng dẫn thực hiện cụ thể về vấn đề ký kết hợp đồng lao động với giúp việc gia đình. Thế nhưng, tới thời điểm hiện tại, chỉ số ít gia chủ và NGV tuân thủ quy định này trong luật. Hầu hết mọi người thỏa thuận bằng miệng, giao kèo qua loa về nội dung công việc, tiền lương và thời gian làm việc.
Pháp luật cũng chính thức xem giúp việc gia đình là một nghề, nhưng do gia chủ và giúp việc gia đình chưa tuân thủ nên không thực hiện được. Chúng ta cũng chưa có một chế tài đủ mạnh, thực hiện thanh kiểm tra, xử phạt những trường hợp không thực hiện nên tình trạng này vẫn còn.
Một số người giúp việc và tang vật tài sản trộm cắp của chủ nhà. Ảnh: T.L
Có ý kiến cho rằng nguồn “cầu” NGV quá lớn khiến cho các NGV kiêu kỳ, trong khi đó các chủ nhà vì quá cần mà bỏ qua nhiều tiêu chuẩn. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới việc một số NGV “tác oai, tác quái”, gây họa?
- Đúng vậy, ngay như trung tâm tôi, mặc dù từ 2012 đã có những khóa đào tạo nâng cao tay nghề và kỹ năng làm việc cũng như đạo đức cho NGV, nhưng các gia chủ khi tuyển dụng cũng rất thờ ơ. Đa phần thì không tin tưởng vào kỹ năng của lao động, họ chỉ chú trọng tuyển lao động khỏe mạnh, còn về kỹ năng, đạo đức thì cho rằng chỉ cần lao động ngoan về sẽ đào tạo lại hoặc chỉ cần bảo gì làm đó là được.
Bà có lời khuyên nào dành cho các gia chủ khi có ý định tìm kiếm NGV và quản lý NGV?
- Theo tôi, điều quan trọng nhất khi tuyển NGV là cần nắm rõ lý lịch. Tiếp sau đó, các gia đình có thể trao đổi về kỹ năng, kinh nghiệm và yêu cầu thử việc với họ. Ngoài ra các gia đình cũng nên tuân thủ việc ký hợp đồng với giúp việc gia đình, nêu đầy đủ yêu cầu kỹ thuật, công việc cần làm, mức lương trả, số ngày nghỉ… Sau khi tiếp nhận cần kiểm tra, giám sát, có thể là chia sẻ tâm sự thêm với NGV về tính chất công việc, những khó khăn trong quá trình làm việc. Từ đó động viên, khích lệ họ kịp thời, tạo nên sự gắn kết của giúp việc và gia đình.
Đặc biệt, gia chủ cũng cần nâng cao tính cẩn trọng, có tài sản thì phải giữ gìn, cất giữ cẩn thận. Không để tài sản hớ hênh, tạo điều kiện cho lòng tham của con người trỗi dậy, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Xin cảm ơn bà!