Dân Việt

Bộ NNPTNT trả lời về đề xuất hạ đê sông Hồng của Hà Nội

Ngọc Lê 14/02/2017 17:43 GMT+7
Hôm nay (14.2), Bộ NNPTNT có công văn trả lời đề nghị của UBND TP.Hà Nội về phương án thiết kế, điều chỉnh đê hữu sông Hồng, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Theo đó, công văn do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng ký có nội dung nêu rõ: Bộ NNPTNT thống nhất với đề nghị của UBND TP.Hà Nội thay thế một phần đê đất bằng đê bê tông cốt thép đoạn đê hữu sông Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

img

Bộ NNPTNT đã chấp thuận với đề nghị của TP.Hà Nội về việc hạ thấp một phần đê hữu sông Hồng (Ảnh: Infonet).

Về phương án thiết kế của TP.Hà Nội đề nghị, phần cao trình đê đất phía hạ lưu đê bê tông cốt thép ở cao trình +12,4m, Bộ NNPTNT đề nghị TP.Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, lựa chọn hình thức, quy mô kết cấu của đê bê tông cốt thép phù hợp với các quy định hiện hành.

Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng đề nghị TP.Hà Nội thực hiện các ý kiến trước đó của Bộ và nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị, Hội, chuyên gia tại cuộc họp ngày 13.2.

Trước đó, ngày 13.2, đại diện Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp), UBND TP.Hà Nội và các nhà khoa học đã họp bàn về đề nghị hạ mặt đê sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, nhằm phục vụ dân sinh và giao thông.

Hà Nội đưa ra phương án hạ cao trình mặt đê xuống +12,4 m, nhưng Bộ NNPTNT chưa thống nhất với đề xuất này, mà cho rằng phải đảm bảo không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế 13,5 m. 

Trong văn bản gửi Hà Nội tháng 12.2016, Bộ Nông nghiệp cũng khẳng định đê hữu sông Hồng là tuyến đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm Hà Nội. Bộ đã đề nghị Hà Nội lựa chọn phương án thiết kế đảm bảo cao trình mặt đê đất sau khi hạ không thấp hơn 13,5 m. 

Ngày 24.1, Hà Nội lần thứ hai có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT cho hạ cao trình mặt đê đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương xuống cao độ +12,4 m.

Với cao độ này, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, thuận lợi cho người dân dọc tuyến đường tiếp cận ra vào an toàn. Phương án còn tạo điều kiện mở rộng mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe..., tạo cảnh quan đô thị cho tuyến phố.

Lần đầu tiên Hà Nội đưa đề xuất với Bộ Nông nghiệp về vấn đề trên là vào tháng 10.2016.