Cải tạo xong, không sử dụng được?
Theo ông Đinh Thế Hùng, Bí thư xã Trà Xinh, thì từ nhiều đời nay nơi đây là đất sản xuất của của người dân địa phương sử dụng trồng lúa rẫy và một số cây màu. Cách đây khoảng 2 năm, chủ đầu tư là Ban quản lý Hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa Nước Trong (nay đã xóa và nhập về Ban quản lý dự án đầu tư các công trình NN&PTNT Quảng Ngãi) chọn và tiến hành cải tạo thành đồng ruộng bậc thang trồng lúa nước, có diện tích khoảng 2ha và cấp cho một số hộ của địa phương nằm trong diện di dời của dự án hồ chứa Nước Trong, sản xuất.
Một trong những thửa ruộng lúa nước đã được cải tạo và cấp cho người dân ở xã Trà Xinh. Ảnh: Công Xuân
Tuy nhiên trong quá trình cải tạo, nhiều người dân ở khu vực gần đó chứng kiến, phản ánh: Lớp đất mùn phía trên phần thì bị san ủi gạt bỏ đi, nơi đất sỏi được chủ đầu tư mang từ nơi khác về và đổ lên, dày cả mét. Vì vậy sau khi cải tạo hoàn thành và cấp cho dân đến nay, không thể sử dụng sản xuất được nên bỏ hoang đến bây giờ.
Để kiểm chứng phản ảnh, chúng tôi đã đề nghị và được lãnh đạo chính quyền Trà Xinh nhờ một số người dân mang cuốc lên đào thử. Thế nhưng chỉ sau vài lần cố gắng bổ xuống mặt ruộng, lưỡi cuốc đã bị cong, mẻ vì gặp phải lớp đá sỏi dày đặt.
"Với bề mặt ruộng thế này thì ngay cả cây bụi dại không phải loại nào cũng có thể mọc và sống, nói gì đến lúa. Bên cạnh đó suốt hơn 2 năm qua, do công trình đập chứa ở phía đầu nguồn và hệ thống dẫn nước tưới cho cánh đồng này bị bồi lấp, hư hỏng nên không thể cung cấp nước", ông Đinh Văn Nay, Phó chủ tịch UBND xã Trà Xinh, lắc đầu.
Không riêng gì Trà Xinh, theo chính quyền các xã Trà Thọ, Trà Phong của Tây Trà, thì số hộ nhận ruộng lúa nước do Ban quản lý Hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa Nước Trong cải tạo và cấp, đại đa số cũng bỏ hoang vì lâm vào tình trạng như trên.
Sẽ đưa ra biện pháp hỗ trợ
Ông Đỗ Đình Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà, thẳng thắn: "Với số diện tích đã được cải tạo và cấp cho dân, thì để sử dụng trồng lúa, hay cây màu được thì ngoài cung cấp nguồn nước tưới, phải mất nhiều năm và tốn thêm tiền tỷ để tạo lớp mùn trên mặt mới may ra sử dụng được".
Một đoạn đường ống dẫn nước cung cấp cho đồng ruộng bậc thang lúa nước của Trà Xinh
Và điều mà lãnh đạo chính quyền các cấp huyện Tây Trà bức xúc nữa đó là lâu nay, do tập quán và thói quen nên người dân nơi đây chỉ gieo trồng trên nương rẫy, rồi giao cho trời và chờ đến lúc thu hoạch. Thế nhưng khi cấp để trồng lúa, chủ đầu tư không tổ chức bất kỳ buổi, đợt tập huấn, hay làm mô hình mẫu để hướng dẫn bà con.
Tại buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, đại diện chủ đầu tư là ông Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Ban quản lý dự án đầu tư các công trình NN&PTNT Quảng Ngãi (nguyên Phó giám đốc Ban quản lý Hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa Nước Trong), cho biết: "Tổng diện tích đất đã cải tạo thành ruộng lúa nước và cấp cho người dân ở 3 xã Trà Thọ, Trà Xinh và Trà Phong của Tây Trà khoảng 10,3ha, gồm 5 khu, với vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Việc cấp đất trồng lúa nước cho số hộ trên diễn ra từ giữa năm 2015, đến 2016".
Theo ông Quang thì trong quá trình cải tạo, lớp mùn phía trên được cào và dồn đống lại, sau đó phủ lại. Tuy nhiên có thể do bị mưa cuốn trôi đi, nên hiện bề mặt ruộng mới như vậy.
Ông Quang cũng thừa nhận:"Chỉ cải tạo và cấp đất ruộng trồng lúa nước chứ không có tổ chức tập huấn cho người dân, hay làm mô hình trồng lúa nước mẫu. Lí do trong kế hoạch không có phần này. Riêng nước tưới có thể do sau khi bàn giao, việc vận hành và quản lý công trình đập, hệ thống ống dẫn chưa tốt; do ảnh hưởng thiên tai nên bị vùi và hư hỏng. Để khắc phục, trong thời gian đến chúng tôi sẽ lên làm việc lại với chính quyền Tây Trà họp bàn và đưa ra biện pháp hỗ trợ, nhằm khắc phục tình trạng trên".