Nghe đài, xem báo thấy nói cây sưa (huỳnh đàn đỏ) rất giá trị, hơn 6 năm trước, già làng A Sreng đã nghĩ đến việc đi mua cây giống về trồng. Thành quả là hôm nay, xã Đăk Tơ Lung sở hữu khu rừng sưa có một không hai ở cực bắc Tây Nguyên.
Rừng sưa quý của già A Sreng. |
Ngăn suối, đắp đập trồng lúa nước
Người Rơ Ngao Ba Na vốn rất e ngại khi đến gần các khu nghĩa địa của làng, nói gì đến việc đến đó để canh tác. Trong một lần đưa người quá cố về thế giới của Yàng và các đấng thần linh, già A Sreng phát hiện cạnh nghĩa trang bên con suối Đăk K'lang có một bãi đất bằng phẳng. "Sao mình không lấy nước từ con suối để làm ruộng nước. Nếu cứ trồng lúa rẫy thì phải chặt cây phá rừng" - câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu già A Sreng.
Nghe chuyện A Sreng dám lên nghĩa địa sản xuất, bà con rỉ tai nhau: "Ông già lẩm cẩm, thế nào rồi cũng bị con ma bắt đi mất thôi". Lúc đầu, ngay cả vợ và các con già cũng không đồng tình. Hiểu tâm trạng của bà con “cái mắt phải được nhìn thấy, cái tay phải được nắm… thì cái bụng mới tin”, suốt nhiều tháng liền, với gói cơm đạm bạc, già lên núi, ngăn suối, đắp đập, làm kênh mương dẫn nước vào ruộng. Thửa ruộng bậc thang hình thành, già tính nhẩm, mỗi năm hai vụ, thu về trên 120 bao lúa (khoảng 6 tấn).
Thấy A Sreng có của ăn, của để, bà con khắp buôn làng gần xa đến tham quan, học hỏi. Kể từ ngày đó, cây lúa rẫy của buôn làng dần được chuyển sang lúa nước. Tình trạng thiếu đói của người dân vùng đất này gần như chấm dứt. "Già làng A Sreng đã góp phần thay đổi việc canh tác cây lúa rẫy, ngự trị hàng ngàn năm nay của người dân bản địa" - ông A Leo - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Đăk Tơ Lung nhận xét.
Trồng cây sưa, nuôi cá...
Năm 2005, thấy lâm tặc thường vào các cánh rừng già tìm kiếm, khai thác một loại cây, già A Sreng nghĩ: "Chắc là gỗ quý lắm nên họ mới ráo riết đi tìm kiếm, sao mình không tìm giống về trồng". Già bán một con bò (trong đàn bò 20 con) được 4,5 triệu đồng, rồi khăn gói rời làng từ lúc mờ sáng. Ròng rã hơn một ngày một đêm, già đến xã Đăk Rong, huyện K'Bang (Gia Lai) hỏi mua được cây sưa giống về trồng. Hiện, khu rừng sưa 500 cây của già đã cao 4-5m, ước tính giá trị hàng tỷ đồng.
Cạnh khu rừng sưa là dãy ao nuôi cá. Già A Sreng bảo: “Mình quy hoạch thành 3 ao: Ao nuôi cá lóc, ao nuôi cá trắm cỏ và ao nuôi cá chép. Phía trên ao là khu chuồng trại nuôi heo rừng. Có người bắt được con heo rừng, già mua lại đem về làm heo giống. Rồi thấy mỗi con dúi rừng mà bà con bắt, bán được gần 100.000 đồng, vậy là một lần bắt được con dúi, già đem về nuôi, rồi nhân thành đàn... Theo ông A Dim - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung, già A Sreng là người đầu tiên trong xã nuôi heo rừng và dúi.
“Quan toà” của làng
Dù công việc bộn bề, nhưng các buổi hội họp của làng, già A Sreng không bao giờ vắng mặt. Bà Y Lơi ở làng Kon Keng bảo: "Cái miệng A Sreng nói toàn điều hay, lẽ phải. Cái bụng biết yêu thương mọi người, ai gặp khó khăn hoạn nạn đều sẵn lòng giúp đỡ, nên ai ai cũng tin tưởng". Gia đình nào bất hoà, già đến phân tích điều hay lẽ phải. Thanh niên lỡ uống rượu quá chén nói nhảm nhí, già gặp trò chuyện, khuyên bảo. Nếu ai phải đưa ra xử trước làng để phạt, kiểm điểm thì cái bụng họ cũng "tâm phục, khẩu phục". Ông A Dim nói: "Những đóng góp của già A Sreng đã góp phần vào xây dựng tình đoàn kết buôn làng”.
Tiến Thành