Dân Việt

Đà Nẵng tìm cán bộ dưới 35 tuổi: Đừng nghĩ chọn người trẻ để dễ bảo

Đình Thiên (thực hiện) 15/02/2017 16:22 GMT+7
Xung quanh việc Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng có đề án nhằm tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi và sẽ có chế tài, chính sách động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu nhường vị trí, ông Trần Văn Minh (nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư) cho rằng: “đừng nghĩ chọn cán bộ trẻ để dễ sai bảo...”.

Như Dân Việt đã đưa tin, hôm qua, 14.2, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Đề án 6575/QĐ-TU về việc xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025.

Trong đề án này, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các cấp ngành liên quan mạnh dạn đào tạo, nâng đỡ, tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi lên nắm các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ có chế tài chính sách động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu để có vị trí cho cán bộ trẻ rèn luyện, thử thách.

img

Ông Trần Văn Minh, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương cho rằng “đừng nghĩ chọn cán bộ trẻ để dễ sai bảo”. (ảnh Đình Thiên)

Liên quan đến đề án đang được dư luận quan tâm này, Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư.

Ông từng là Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng và sau đó tham gia công tác tổ chức cán bộ của Trung ương. Ông đánh giá thế nào về Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ của Ban Thường vụ TP.Đà Nẵng?

- Về cơ bản tôi ủng hộ chủ trương này vì đây là chính sách tạo nguồn cán bộ trẻ rất phù hợp với thực tiễn hiện nay. Việc động viên người lớn tuổi nghỉ hưu thì phải làm để có chổ đưa người trẻ vào đào tạo, bồi dưỡng, thử thách. Còn ở độ tuổi cận 35 thì sau quá trình rèn luyện khoảng 1 nhiệm kỳ sẽ “hết trẻ” ngay mà.

Tuy nhiên theo tôi không phải ai lớn tuổi cũng động viên nghỉ hưu hay vấn đề động viên ai là phải có sự cân nhắc kỹ. Vì ngoài chuyện những cán bộ đó có đóng góp cả quá trình, thì vấn đề kinh nghiệm và bản lĩnh của họ đâu phải trẻ là có ngay và có thể thay thế được.

img

Bí thư Nguyễn Xuân Anh là một trong những cán bộ trẻ của Đà Nẵng (ảnh Đình Thiên)

Hiện tình trạng tiến cử, bổ nhiệm con em, họ hàng người thân quen vào các vị trí trong bộ máy chính quyền đã xảy ra ở nhiều địa phương, ban ngành mà báo chí đã nêu suốt thời gian qua. Trong Đề án của Ban thường vụ Thành ủy chỉ cho cấp trên tiến cử cấp dưới, điều này có đảm bảo sự minh bạch, triệt tiêu hoặc hạn chế được phần nào tình trạng trên?

- Để tránh tình trạng thân quen trong tiến cử, trong đề án đã đưa ra một số quy định rồi. Ai đảm bảo các điều kiện đó mới đưa vào danh sách tuyển chọn để đào tạo. Ngoài ra, việc tiến cử chỉ mang tính chất giới thiệu, cán cán bộ trẻ này phải được các cơ quan chức năng cơ quan tham mưu cho Ban Thường vụ thẩm định nữa.

img

Đà Nẵng quyết tâm phát triển thành phố thông minh, năng động, chuyên nghiệp. (ảnh Đình Thiên)

Theo ông có nên sử dụng phương án thi tuyển công khai để chọn cán bộ?

- Việc thi tuyển công khai là một chuyện khác, ở đây là đề án tạo nguồn mà. Anh nào tốt thì phát triển, anh nào không tốt thì thôi. Tuy nhiên, cách làm cần phải cụ thể hơn, các ngành chức năng phải cụ thể hoá từng công đoạn. Bên cạnh đó cần phải công khai minh bạch các khâu ngay từ ban đầu thì chủ trương mới đem lại kết quả tốt.

Có dư luận cho rằng do người đứng đầu chính quyền thành phố là cán bộ trẻ nên cần có bộ máy có nhiều cán bộ trẻ để dễ có sự đồng thuận ý kiến khi cần quyết các chủ trương lớn của TP. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

Theo tôi không nên nghĩ như vậy vì đây là chủ trương của tập thể Thường vụ về vấn đề chăm lo, tạo nguồn cán bộ trẻ. Đây là việc làm cần thiết. Đừng nghĩ một cách tiêu cực rằng chọn cán bộ trẻ để dễ sai bảo. Những người trên 30 tuổi cũng đã có suy nghĩ riêng và lòng tự trọng cả rồi.

Xin cảm ơn ông!.