Dân Việt

"Nói xấu” nhà chồng cũng là cách giữ gìn hạnh phúc!

Lâm Yên 16/02/2017 07:15 GMT+7
Cứ trút cạn nỗi lòng mình đi, khi cơ thể bạn không còn chỗ chứa. Để rồi sau đó, bạn lại sửa soạn quần áo, cao ngạo bước về nhà, sống tiếp cuộc sống của một người vợ hiền lành và ngoan ngoãn.

Bởi vì phụ nữ chúng tôi như quả bóng, những bức xúc dồn tụ lại lâu ngày sẽ nổ tung, thế nhưng chỉ cần xì hơi ra một chút thì lại căng tròn, viên mãn. Chúng tôi luôn cần tâm sự, luôn cần sẻ chia, mà tiếc thay, ít đức ông chồng làm được điều như vậy.

img

Hình minh họa

Trong cuôc đời này, tôi đã chứng kiến rất nhiều phụ nữ mẫu mực, họ hi sinh miệt mài, chẳng bao giờ hé miệng chuyện gia đình với bất kì ai, kể cả những người thân thiết. Họ lặng lẽ mỉm cười và bàng quang khi thiên hạ bàn tán, xì xào về chồng. Câu cửa miệng của họ: “Chị bình thường”; “Chị ổn”. Chỉ đến một ngày kia, khi họ bước ra đường với tờ giấy ly hôn, bỏ lại sau lưng quá khứ với quá nhiều tổn thương, thiên hạ mới ngỡ ngàng, à hóa ra cuộc hôn nhân ấy thật ra…từ lâu đã là bi kịch.

Phụ nữ là thế, thật ra làm gì có ai mạnh mẽ, làm gì có ai vô tâm?. Chúng tôi chẳng nghĩ mọi chuyện đơn giản như đàn ông, lại hay để ý những điều nhỏ nhặt. Và cũng bởi vậy, “nói xấu” đôi khi lại chính là giải pháp. “Nói xấu” ở đây không phải là “buôn dưa lê” chuyện về chồng con nơi công sở, không phải là lên mạng khóc lóc “mẹ chồng em thế này, thế kia”. “Nói xấu” đúng chuẩn là tâm sự với một, hai người bạn thật sự am hiểu và khách quan về câu chuyện của mình. Người bạn ấy biết cảm thông, biết chia sẻ nhưng không adua, không “tát nước theo mưa” khi mình sai trái.

Tôi cũng từng đi “nói xấu” nhà chồng như vậy. Đó là một ngày cuối năm khi tôi mệt mỏi vì bị bố chồng mắng té tát chỉ bởi một lỗi lầm tôi cho là nhỏ. Cực chẳng đã, tôi mang những ấm ức chuyện gia đình tâm sự với người bạn thân để giải tỏa, thì lại bị chị mắng cho một trận. Sau một hồi ngồi nghe phân tích, giảng giải, tôi nhận ra mình sai quá nhiều. Tôi cũng hiểu mình may mắn thế nào, khi bố chồng luôn ủng hộ mình trong các công việc ngoài xã hội. Từ đó, tôi trân trọng và biết ơn ông hơn. Mối quan hệ giữa hai bố con ngày càng gần gũi, thân thiết.

Sau hôm ấy, có bức xúc gì tôi lại tìm tới chị. Tôi nhận ra, im lặng chưa chắc là tốt. Im lặng làm những vết thương khó lành, im lặng khiến chúng ta ngày càng nghĩ quẩn. Hãy cứ sẻ chia, quan trọng là sẻ chia đúng người, đúng chỗ. 

Giữ một gia đình yên ấm lại chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Đôi khi, bạn cần những người đồng hành để cùng giải bài toán khó. Đừng là một phụ nữ nhiều lời, nhưng cũng chẳng nên làm một con robot im lặng và mệt mỏi.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.