Nam thanh niên bị quai bị, teo tinh hoàn.
TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, mùa Đông Xuân thường xảy ra dịch quai bị.
Ngày 15/2, Khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho nam thanh niên 23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội bị mắc bệnh quai bị. Bệnh nhân vẫn đang phải theo dõi lâu dài xem có khả năng dẫn đến vô sinh hay không.
Trước đó, bệnh nhân cho biết đã từng tiếp xúc với một người bạn mắc căn bện này, sau đó có biểu hiện sưng đau tuyến mang tai hai bên, từ phải sang trái; sốt cao. Vài ngày sau, bệnh nhân thấy sưng đau tinh hoàn bên trái và rất lo lắng nhập viện điều trị. Hiện tại, sau 4 ngày điều trị sức khỏe bệnh nhân ổn định nhưng tuyến nước bọt mang tai, tinh hoàn vẫn còn đau.
Tuy vậy, theo bác sĩ Cương, vô sinh là nỗi lo lắng của nhiều bệnh nhân và người nhà khi thấy con mình mắc quai bị. Tuy nhiên, để đánh giá bệnh nhân có bị biến chứng teo tinh hoàn hay không thì cần được theo dõi chặt chẽ sau này.
PGS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết, bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ.
Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống.
Các tuyến nước bọt khác, tụy và hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị tổn thương. Lây trực tiếp khi gần bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi nên phòng bệnh trực tiếp là tránh tiếp xúc gần, hắt hơi.
Bệnh quai bị để lại biến chứng nhiều nhất đó là viêm teo tinh hoàn. Biến chứng này có tỷ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời.
Tinh hoàn lúc này sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.
Theo các bác sĩ, hiện nhiều người chủ quan, tự ý điều trị bệnh quai bị bằng các biện pháp truyền miệng như dùng hàm trâu hơ nóng, hoặc hạt gấc hơ nóng áp vào vết sưng đau… đây là việc làm không có căn cứ khoa học.
Để phòng chủ động phòng chống bệnh quai bị, người dân cần rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở…Tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị (vắc xin dịch vụ, người tiêm tự chi trả kinh phí), vắc xin quai bị rất quan trọng cho những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch.
Khi có người bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho các người khác. Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời…