Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển: "Giảm tải chương trình giảng dạy là một trong những biện pháp quan trọng để đảm bảo chất lượng giáo dục phù hợp hơn, tinh giản hơn, cơ bản hơn và hướng tới đánh giá năng lực người học qua cách vận dụng kiến thức, kỹ năng".
Trước đó, Bộ GDĐT đã đưa ra dự thảo hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học các môn cấp tiểu học, THCS, THPT để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức xã hội và cá nhân. Theo dự thảo này, đối với bậc THCS, THPT việc giảm tải được thực hiện ở tất cả các môn học. Trong đó, nhiều bài học hoặc câu hỏi, bài tập sẽ được chuyển từ chương trình chính khoá sang phần đọc thêm, nhiều bài được lược bỏ một phần hoặc bỏ hẳn. Đối với bậc tiểu học thì điều chỉnh các bài học phù hợp với độ tuổi và khả năng của từng cấp học. Các bài tập ở mức độ khó, vượt khả năng độ tuổi của các em thì được giảm tải hoàn toàn.
Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết: "Ngay sau khi bắt đầu năm học mới, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra triển khai chương trình giảm tải này, và hoạt động kiểm tra cũng sẽ được tiến hành thường xuyên trong suốt năm học”.
Song hành với vấn đề giảm tải, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục thực hiện đề án đổi mới chương trình nội dung sách giáo khoa. Đề án này sẽ bắt đầu từ 2011 đến hết năm 2020 với tổng kinh phí 70.000 tỷ đồng áp dụng cho 30.000 trường phổ thông.
Cũng trong năm học mới này, Bộ GDĐT sẽ siết chặt hơn vấn đề chống lạm thu trong trường học. Theo đó, có 3 khía cạnh cần "siết" để chấn chỉnh lạm thu: Yêu cầu các trường công khai tài chính. Tăng cường sự giám sát của các bộ, ngành địa phương trong suốt năm học để phát hiện tình trạng lạm thu; Quyết liệt hơn trong vấn đề xử lý vi phạm từ Bộ GDĐT đến các trường.
Bộ GDĐT cũng đang nghiên cứu để đưa ra quy định về các khoản trường tuyệt đối không được nhận hỗ trợ từ học phí của học sinh trong năm học mới này. Theo đó, các khoản thu của phụ huynh sẽ không được dùng để chi cho các hoạt động giáo dục và thưởng cho cán bộ, giáo viên...
Tùng Anh