Nhạc sĩ Trương Quý Hải và các cựu chiến binh lên thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: NS Trương Quý Hải cung cấp.
Thưa nhạc sĩ Trương Quý Hải, được biết năm nào anh cũng cùng các cựu chiến binh lên thắp hương cho những đồng đội của mình trên nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, và năm nay chắc sẽ cũng vậy, thưa nhạc sĩ?
Vâng, năm nào chúng tôi cũng cùng nhau lên và thắp hương vào ngày 12.7, ngày mà đồng đội chúng tôi đã hy sinh trong trận đánh ngày 12.7.1984.
Và năm nào chúng tôi cũng hát ca khúc "Về đây đồng đội ơi". Bài hát được coi là khúc tưởng niệm của những cựu binh mặt trận Vị Xuyên dành cho anh em còn nằm lại nơi biên ải.
Và mỗi một năm khi lên thắp hương cho đồng đội, chúng tôi đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt, mỗi lần lên là một lần trong tôi lại xốn xang, xúc động không diễn tả thành lời. Lần nào lên, tôi cũng đứng bên những nấm mộ của đồng đội rất lâu để kể cho các anh, em nghe về cuộc sống của tôi ngày hôm nay, gia đình, con cái thế nào. Về sự đổi thay của đất nước, những suy nghĩ trăn trở trong cuộc sống.
Tôi cứ đứng thầm lặng và chia sẻ trong tâm can của mình như vậy đấy.
Thưa nhạc sĩ Trương Quý Hải, năm nào lên anh và các cựu chiến binh đều hát ca khúc "Về đây đồng đội ơi" , vậy anh có thể chia sẻ một chút về ca khúc đặc biệt này?
Rất nhiều người không biết đã từng xảy cuộc xung đột cực kỳ khốc liệt tại Vị Xuyên (Hà Giang). 600 đồng đội của tôi đã hi sinh, gần 1.000 đồng đội bị thương. Và tôi cùng đồng đội đã trực tiếp tẩm liệm cho cả trăm liệt sĩ trong những ngày tháng khốc liệt đó.
Nước mắt dường như khô cạn không thể chảy ra ngoài, nhưng là ngàn vạn vết cừa trong tim khi vừa tẩm liệm vừa nghĩ đến những hình ảnh những người lính trẻ măng với những nụ cười hồn nhiên, hàng ngày vẫn vui đùa với trẻ nhỏ, vậy mà giờ đây bỗng chốc ngã xuống vì bom đạn địch.
Trong tôi cho đến giờ này vẫn không nguôi những hình ảnh đó, nên khi trở về với đồng đội trên Vị Xuyên, Hà Giang, cảm xúc trong tôi cứ ùa về. Và những địa danh quen thuộc trong trận chiến lần lượt hiện ra và có trong bài hát. Những cao điểm như: 468, 1509, 772, 685, đồi Cô Ích, Bốn Hầm...đều được tôi nhắc đến.
Có quá nhiều kỷ niệm để nhắc nhớ anh trong trận chiến khốc liệt đó, trong số đó có kỷ niệm nào không thể nào quên?
Trong một đánh ác liệt vào tháng 5.1984 ở Vị Xuyên, Hà Giang, khi có hàng trăm đồng đội của chúng tôi ngã xuống. Tôi và các chiến sĩ đã làm tẩm liệm các anh và tình cờ tôi bắt gặp trong túi túi áo của một đồng đội đã hi sinh, bức thư viết trên vỏ bao thuốc lá Sa Pa ướt đẫm, màu mực Cửu Long và máu nhòe vào nhau, chỉ còn 3 chữ “Mẹ kính yêu”. Đêm đó, chúng tôi hát cho đồng đội nghe, không đàn, không đèn, không giấy, bút…
Bức thư của đồng đội làm tôi nghĩ về mình, tôi cũng có mẹ. Tôi nghẹn ngào nhớ đến mẹ của mình và nghĩ đến mẹ của đồng đội cũng trạc tuổi tôi - chỉ 18, 20 thôi.Trong chiến tranh, chúng tôi biết là thư không thể về được đến nhà nhưng vẫn viết và vẫn gửi.
Bức thư của đồng đội tôi chưa kịp hoàn thành…Ngồi bên những nấm mộ tôi mới đắp cho anh em, tôi viết tiếp bức thư cho đồng đội, tôi hát cho anh em nghe. Những người còn sống chúng tôi truyền miệng nhau bức thư ấy và gọi là “Thư gửi mẹ”. Đó là ca khúc “Thư về với mẹ” mà sau này tôi viết.”
Mỗi một lần lên thắp hương cho đồng đội tại nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, ngoài chuyện anh và các đồng đội còn sống hát ca khúc Về đây đồng đội ơi, anh có những sáng tác nào mới để khoe với đồng đội đã nằm xuống?
Có chứ. Năm 2014, trong ký ức 30 năm chiến dịch MB84 chống quân Trung Quốc xâm lược, một số anh em cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên hoàn thành việc xây cất Đài hương tại cao điểm 468 để những người đồng đội còn nằm lại nơi thung sâu, khe suối, bờ suối, dốc núi tại vùng chiến địa xưa và những người còn sống có nơi chốn sum vầy. Tôi vì bận công việc không thể có mặt trong thời điểm làm lễ 100 ngày Đài hương. Trong day dứt bản thân, tự vấn trách nhiệm của người lính tuyên văn trên mặt trận xưa và ký ức đời lính, bài hát "Về đây đồng đội ơi"- là lời của anh em còn sống gọi những người đã hy sinh, được hoàn thành sau đó.
Một người bạn cùng sư đoàn có nói với tôi: "Chúng ta đang được sống đời mình và cả phần đời còn lại của những đồng đội hy sinh". Câu nói cứ ám ảnh trong tôi, những ký ức, hình ảnh, suy nghĩ chập chờn ... tôi còn trách nhiệm làm lính tuyên văn cho những anh em hy sinh, làm thế nào để nói thay cho họ. Hình ảnh xưa cứ miên man, đơn vị tôi và chắc nhiều đơn vị khác cũng thế, mỗi đứa một miền quê nhưng đều gọi nhau là "đồng hương". Những câu nói: "Bao giờ ra quân hoặc về phép, đồng hương ghé qua thăm nhà tôi nhé" ..
Đặc biệt là dòng chữ khắc trên báng súng của anh hùng liệt sỹ Nguyến Viết Ninh - cùng sư đoàn chúng tôi, khắc trên báng súng: "Sống bám đá, chết hóa đá thành bất tử".
Anh Ninh đã chiến đấu rất anh dũng, bị thương nhiều lần nhưng quyết không rời trận địa và hy sinh tại cao điểm 685. Sau này chúng tôi mới được biết thêm quãng đời của người trai quê trước khi lên đường nhập ngũ qua lời kể của em gái anh.
Nhà làm nông, anh là con cả nên việc đồng áng nặng nhọc thường giành hết về mình, Thời đó, cả nước khó khăn, gia đình anh cũng vậy, những đứa em của anh tuổi mới lớn, bữa cơm bao giờ anh cũng giành chỗ ngồi đầu nồi để đơm cơm cho mọi người và phần cơm ít ỏi nhất lại thuộc về anh...
Dòng chữ trên báng súng của anh Nguyễn Viết Ninh đã trở thành lời thề của chiến sỹ mặt trận Vị Xuyên.
Những suy nghĩ và ký ức miên man, chập chờn và sau khoảng 1 tuần thì bài hát thứ hai cho những đồng đội của chúng tôi ra đời, đó là lời nhắn gửi của người hy sinh hát cho người còn sống. Đó là ca khúc "Hát cho người còn sống".
Xin cám ơn nhạc sĩ Trương Quý Hải!