Tàu nằm bờ vì tìm không ra “bạn!”
Chưa có năm nào như năm nay, đã qua rằm tháng Giêng nhưng nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ ở xã biển Đức Trạch vẫn chưa “mở biển” được. Theo ông Hồ Đăng Chiến – Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, từ sau tết đến nay, các chủ tàu cá chạy đôn chạy đáo đi tìm bạn tàu mà vẫn không đủ số lượng để ra khơi.
Nhiều tàu cá tuyển lao động vùng nông nghiệp phải đào tạo về đi biển, phải đào tạo cho họ từ đầu. Ảnh: P.P
“Mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 500CV cần ít nhất là 10 lao động nghề biển. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, ngư dân Đức Trạch đóng mới trên 52 chiếc tàu có công suất từ 450 - 1.000CV. Tình trạng thiếu lao động nghề biển ở Đức Trạch được dự báo ngày càng nghiêm trọng”. Ông Hồ Đăng Chiến – |
Nhiều năm qua, Đức Trạch là một trong những địa phương đứng trong tốp đầu của Quảng Bình về số tàu đánh bắt xa bờ và cũng là địa phương đi đầu trong việc đóng mới tàu cá. Ông Chiến cho biết, hiện toàn xã có 240 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó có 20 chiếc đóng theo Nghị định 67, thu hút gần 1.700 lao động.
Thế nhưng, vào vụ đánh bắt năm 2017, nhiều tàu cá ở Đức Trạch đang phải nằm bờ do thiếu lao động khiến chính quyền địa phương và các chủ tàu lo lắng. Ngay từ trước Tết Nguyên đán, nhiều chủ tàu đã tìm bạn, linh hoạt tăng tỉ lệ ăn chia, thậm chí còn có thêm phần lương cứng hàng tháng... nhưng vẫn không đủ lao động để ra biển. Hiện địa phương này còn thiếu khoảng 300 lao động chưa thể tìm ra nguồn bổ sung.
“Lao động nghề biển đang có giá ghê lắm, các chủ tàu tranh nhau lôi kéo, giá ăn chia lên vùn vụt. Trước đây, sau mỗi chuyến biển, trừ phí tổn, chủ tàu và lao động ăn chia theo tỷ lệ %, nay lao động còn được chủ tàu trả thêm lương cứng hàng tháng nhằm giữ chân lao động. Phần lương cứng này, ban đầu có chủ tàu đưa ra mức 3 triệu đồng/ tháng, chủ khác 5 triệu, nay lên đến 7 triệu đồng/tháng mà vẫn thiếu” – ông Chiến chia sẻ.
Phải tuyển lao động nông nghiệp để đi biển
Đã ngoài rằm tháng Giêng nhưng ngư dân Hồ Đăng Hùng – chủ một tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ ở Đức Trạch vẫn chưa thể tìm đủ lao động để ra khơi. Nhiều ngày qua, ông Hùng như ngồi trên đóng lửa bởi con tàu có công suất trên 800CV vừa mới được đóng với một số tiền khá lớn mà tàu cứ nằm bờ thì lấy đâu ra tiền để hoàn vốn, trả nợ ngân hàng. Không còn cách nào khác, ông Hùng đành lên các xã nông nghiệp như Phú Trạch, Đồng Trạch, Hoàn Trạch… để tuyển lao động về đi biển. “Tôi cũng biết trước là hiệu quả đánh bắt sẽ giảm sút do các lao động ở vùng nông nghiệp chưa quen nghề biển. Thôi thì cứ tuyển cho đủ để đi đã, vừa làm vừa đào tạo, chỉ vẽ thêm cho họ chứ để khối tài sản hàng chục tỷ đồng nằm bờ xót lắm”- ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Trương Công Hoạt – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch: “Sau sự cố môi trường biển, thanh niên Đức Trạch trong độ tuổi lao động đã đua nhau đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài… Nhà nào không có điều kiện thì cho con em vào miền Nam đi biển, thu nhập cao và ổn định hơn. Chính vì vậy mới có tình trạng đầu năm mà lao động nghề biển thiếu trầm trọng như thế” – ông Hoạt nói.