Dân Việt

Mẹ đẻ Giang Kim Đạt không biết gì về nhà cửa đứng tên mình ở Anh(?)

Lương Kết 18/02/2017 11:53 GMT+7
“Tôi không mua nhà ở bên Anh, ở đâu mọc lên tôi không biết được” (?) - mẹ đẻ Giang Kim Đạt nói tại tòa.

Sáng nay (18.2), vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm bước sang ngày xét xử thứ ba.

Khoản thiệt hại bồi thường cho cơ quan nào?

Khi phiên tòa diễn ra, các bị cáo tiếp tục được cách ly.

Trong vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines), cơ quan tiến hành tố tụng xác định, các bị cáo đã tham ô số tiền hơn 260 tỷ đồng từ việc mua tàu biển và thuê tàu. Trong đó, bị cáo Giang Kim Đạt - nguyên Trưởng phòng kinh doanh của Vinashinlines chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng; bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, bị cáo Trần Văn Khương - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines chiếm đoạt 110.000USD.

img

Các bị cáo tại tòa.

Hội đồng xét xử đã tập trung làm rõ để xem khoản tiền thiệt hại hơn 260 tỷ đồng sẽ được bồi thường cho đơn vị nào, bởi thời điểm vụ án xảy ra Vinashinlines trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), đến nay Vinashinlines lại thuộc Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Hội đồng xét xử yêu cầu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) trả lời câu hỏi. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - người được ủy quyền đại diện cho Vinashin cho biết, thời điểm xảy ra vụ án, Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) thuộc sở hữu 100% của Vinashin.

Tiền mua tàu của Vinashinlines được Vinashin phụ trách và ủy thác cho vay thông qua Công ty tài chính VFC trực thuộc Vinashin. Do vậy Vinashinlines phải chịu trách nhệm trả lãi và gốc cho VFC.

Bà Nguyệt cho biết, trong vụ án của Giang Kim Đạt và đồng phạm, Vinashinlines là đơn vị trực tiếp bị thiệt hại, Vinashin bị thiệt hại gián tiếp. Theo số liệu VFC cung cấp thì Vinashinlines đang nợ hơn 48 triệu USD và 73 tỷ đồng. Đó là tính tiền gốc, hiện khả năng thu hồi số tiền này rất khó.

Bà Nguyệt lập luận, khoản tiền hơn 260 tỷ đồng có được xuất phát từ chức vụ của Giang Kim Đạt tại công ty, nếu không phải là người Vinashinlines thì bị cáo Đạt sẽ không có lợi nhuận này.

Bà Nguyệt đề nghị các khoản tiền thu hồi trong vụ án này được chuyển về cho Vinashin.

Phía đại diện cho Vinalines, ông Bùi Xuân Khôi cho biết, thời điểm xảy ra vụ án, Vinashinlines không thuộc Vinalines. Đến tháng 6.2010 theo Quyết định 926 của Thủ tướng Chính phủ, công ty này được chuyển về Vinalines. Vinalines phải nhận toàn bộ nợ và phải trả nợ cho Vinashinlines. Tổng số tiền nợ mà Vinalines đang phải gánh hơn 6.000 tỷ đồng. Do đang phải gánh nghĩa vụ trả nợ của Vinashinlines, nên ông Khôi đề nghị các khoản tiền thu hồi được trong vụ án phải chuyển trả cho Vinalines.

Nói về khoản tiền bồi thường, đại diện Vinashinlines đề nghị, nếu các bị cáo bồi thường thì trước mắt là chuyển về cho Vinashinlines quản lý, còn số tiền này được dùng như thế nào thì do cơ quan chủ quan chỉ đạo.

Không biết tại sao có nhà ở Anh (?)

Cũng liên quan đến vấn đề tài sản, Hội đồng xét xử đề nghị vợ của bị cáo Trần Văn Liêm - cựu TGĐ Vinashinlines trả lời câu hỏi liên quan đến chiếc xe Mercedes. Vợ của bị cáo Liêm cho biết, chiếc xe ô tô Mercedes được mua khi bị cáo Liêm đi công tác ở Đức (mua xe cũ mang về nước). Vợ bị cáo Liêm khẳng định đã làm các thủ tục đầy đủ để sở hữu chiếc xe này.

Vẫn theo vợ bị cáo Liêm, chiếc xe này sau đó được chuyển nhượng cho người khác nhưng do quen biết nên người đó không sang tên ngay. Khi người mua xe này muốn sang tên thì chiếc xe bị tạm ngừng giao dịch vì được cho liên quan đến vụ án. Sau đó vợ bị cáo Liêm lại phải nhận lại chiếc xe đã bán. Vợ của bị cáo Liêm đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thấu đáo để bảo vệ quyền lợi cho bà.

Trả lời Hội đồng xét xử về số tài sản gần 40 bất động sản, bà Nguyễn Thị Ngân - vợ của bị cáo Giang Văn Hiển (người bị truy tố về tội Rửa tiền) cho biết, tất cả số bất động sản trên đều đứng tên hai vợ chồng. Về nguồn tiền từ đâu, bà Ngân nói không hay biết, bởi bà ở nhà làm nội trợ, khi chồng giao dịch bảo ký thì bà ký.

Về bất động sản đứng tên bà ở Anh, bà Ngân cũng nói không biết. “Tôi không mua nhà ở bên Anh, ở đâu mọc lên tôi không biết được” (?) - bà Ngân nói.