Lãi đậm nhờ giá tăng
Theo nhiều người dân trồng ớt tại ĐBSCL, có thể do thời gian trước Tết nguyên đán Đinh Dậu thời tiết thất thường (trời mưa dầm, thậm chí có nơi ngập lụt) nên diện tích ớt tại nhiều nơi ở Miền trung bị ngập úng. Chính điều này đã làm cho giá ớt tăng rất cao. Ngô Thanh Bằng, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, trồng 3 công ớt (mỗi công tương đương 1.000m2), cứ cách 2 ngày hái ớt 1 lần, năng suất đạt từ 120kg đến 200kg/3 công. Tính ra một đợt hái ớt ước 3 tấn trái, giá bán bình quân từ 23.000 đồng đến 65.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận trên 60 triệu đồng. Nếu cả vụ ớt hái trái 3 đợt/năm thì số tiền lãi gần 200 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Theo Hội nông dân xã Phú Tâm, thời gian qua có nhiều hộ dân đã chuyển đổi cây trồng từ cây bí đao bung trồng dọc theo các tuyến kênh sang trồng ớt, do ớt có giá. Một trong những hộ trồng ớt có thu nhập khá là hộ ông Bằng. Từ mô hình cây ớt Thái của ông Bằng, Hội Nông dân xã đã đưa một số hội viên nông dân đến tham quan học hỏi kinh nghiệm và có hướng triển khai nhân rộng mô hình, nhằm góp phần tăng thêm thu nhập.
Tại Tiền Giang ớt được trồng nhiều ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo. Năm nay, giá ớt tăng cao nên không khí lao động tại khu vực này nhộn nhịp hẳn. Bà Nguyễn Thị Màu, cho biết: “Mấy ngày nay, thương lái thu mua ớt với giá dao động ở mức 45.000-48.000 đồng/kg do ớt mới vào đầu vụ thu hoạch, sản lượng ớt cung cấp cho thị trường chưa nhiều, trong khi nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ ớt trong nước tăng”.
Theo tính toán của người trồng ớt, hiện nay giá thành sản xuất ớt khoảng 20.000-22.000 đồng/kg (tùy theo kỹ thuật canh tác của từng hộ), năng suất ớt bình quân đạt khoảng 1-1,2 tấn/công. Với giá ớt hiện nay, nông dân trồng ớt lãi khoảng 25-32 triệu đồng/công/vụ. Một thương lái ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết, hiện nay nhu cầu ớt xuất khẩu sang các nước châu Á như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, nhất là Trung Quốc tăng mạnh nên ớt đang ở mức giá rất cao, có ngày phải thu mua ớt với giá 48.000 đồng/kg.
Theo Phòng NNPTNT huyện Chợ Gạo, toàn huyện hiện có khoảng 650 hecta ớt. Nếu so sánh về hiệu quả kinh tế, trồng ớt có hiệu quả cao gấp 3 lần trồng lúa.
Tránh để người trồng “cay mắt”
Cây ớt ngoài việc giá không ổn định, hiện nay gần như chưa quy hoạch vùng chuyên canh, thị trường tiêu thụ chưa ổn định còn kỹ thuật trồng cũng không dễ. Chính vì vậy đây là loại cây dễ trồng nhưng khó làm giàu. Thị trường có nhiều giống ớt khác nhau, nhưng được nhiều người chọn nhất là hai loại ớt “chỉ thiên” hay giống ớt “hai mũi tên” do 2 giống này dễ trồng, năng suất lại cao.
Cây ớt có nhu cầu dinh dưỡng cao, cần nhiều đạm, kali, lân, ma nhe và cả canxi. Cây ớt cần nhiều đạm và lân trong giai đoạn sinh trưởng phát triển cây, phân cành; cần nhiều kali và lân trong giai đoạn ra hoa, quả. Giai đoạn cây mang quả nhu cầu dinh dưỡng cao hơn so với giai đoạn sinh trưởng phát triển, cần nhiều đạm và kali hơn lân. Ngoài N, P, K, Ca, Mg ớt còn cần các chất vi lượng như B, Zn, Cu, Fe, Mn, Mo. Lượng dinh dưỡng nguyên chất khuyến cáo bón cho 1 ha ớt/vụ: 180-210 kg N; 150-180 kg P2O5; 160-180 kg K2O.
Theo các nhà chuyên môn lẫn nhà vườn, khó nhất là cách bón phân cho cây ớt để sao ớt không rụng trái, thối quả và có năng suất cao. Tùy theo đất tốt hay xấu, lượng phân thành phẩm trung bình khuyến cáo bón cho 1 ha: Phân chuồng 10-20 tấn, vôi bột: 1.000kg; NPK 30-9-9: 600 kg; CanNiBo: 100 kg; Super lân: 600 kg; KCl: 200 kg (tương đương với 195kg N; 150 kg P2O5; 174kg K2O).
Cách bón: Bón lót (trước khi trồng): 10-20 tấn phân chuồng hoai mục + 600 kg Super lân + 1.000 kg vôi bột + 30kg KCl + 60kg NPK 30-9-9-TE: Cải tạo đất, diệt mầm bệnh trong đất.
Bón thúc 1: Giai đoạn cây sinh trưởng phát triển (20-25 ngày sau trồng): Bón (NPK 30-9-9: 120kg + CanNiBo: 20kg + KCl: 30kg)/ha; phun Foliar Blend (50ml/16 lít nước): Giúp cây mau ra rễ, mau xanh tốt, mau ra cành, lá.
Bón thúc 2: Giai đoạn ra hoa, đậu quả (55-60 ngày sau trồng): Bón NPK 30-9-9-TE: 150kg + CanNiBo: 20kg + KCl: 50kg/ha; phun Foliar Blend (50ml/16 lít nước): Giúp cây cây mau lớn, mau ra hoa, tăng hấp thu dinh dưỡng từ đất, tăng quang hợp, tăng ra hoa, đậu quả.
Bón thúc 3: Giai đoạn nuôi quả (80-85 ngày sau trồng): Bón NPK 30-9-9-TE: 150kg + CanNiBo: 30kg + KCl: 50kg/ha; phun phân bón lá Hoàng Hổ-Si (50ml/16lít nước): Giúp quả to, nặng, màu sắc đẹp, cay.
Bón thúc 4: Giai đoạn nuôi quả (100-110 ngày sau trồng): Bón NPK 30-9-9: 120kg + CanNiBo: 30kg + KCl: 40kg/ha: Giúp quả to, nặng, đẹp, cay.
Tưới thúc: HAI-Chyoda 10-20g/10 lít nước, tưới định kỳ 10-20 ngày/lần hoặc khi thấy cây chậm sinh trưởng.