Từ năm 2015 đến nay, trên báo đài và các mạng xã hội liên tục xuất hiện những lời kêu gọi giải cứu dưa hấu, hành tím, ớt, cà chua… cho bà con ND. Mặc dù người tiêu dùng nhiệt tình vào cuộc ủng hộ, nhưng vẫn có hàng trăm, hàng nghìn tấn nông sản ế hỏng phải đổ bỏ. Thực tế này là một minh chứng rõ ràng nhất về một nền sản xuất manh mún, thiếu liên kết...
Đổ su su làm phân bón
Nông dân xã Quỳnh Liên chất đống su su để cho trâu bò ăn. Ảnh: C.T
Theo anh Nguyễn Văn Út Được, không thể đổ lỗi do ND hám lợi khi trồng chuối ồ ạt, vì đây là kế sinh nhai của bà con. Địa hình của huyện là vùng bán sơn địa, đá ong lởm chởm, không thể trồng được thứ gì khác ngoài chuối với tiêu. Nhiều vườn tiêu đang bị dịch bệnh, cọc tiêu đến tuổi phải nhổ bỏ trồng mới. Trong thời gian chờ đợi, bà con phải đánh liều trồng chuối cấy mô để có thu nhập, mong có tiền đầu tư cho cây tiêu. Anh Được cũng thừa nhận, ND thấy cái nào lợi thì làm chứ mù tịt thông tin thị trường. |
Những ngày sau Tết Nguyên đán 2017, hàng trăm hộ nông dân ở xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) khóc ròng vì giá su su rớt thê thảm, chỉ còn 300 đồng/kg. Nhiều hộ ND nơi đây tiếc rẻ nên không thèm bán cho thương lái, cứ để mặc cho quả rụng xuống đất rồi chất đống ủ thành phân; thậm chí nhiều hộ còn hái quả su su cho trâu, bò ăn. Không ít hộ đã phải phá bỏ vườn su su...
Trao đổi với phóng viên về tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội ND Nghệ An cho biết, Quỳnh Liên là xã chuyên canh trồng cây su su lớn nhất của tỉnh. Vào vụ mùa năm 2016, toàn xã trồng 65ha su su, năng suất bình quân đạt 100 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 6.500 tấn. Với giá bán trung bình 3.000 đồng/ha, mỗi ha cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng, tổng thu nhập từ cây su su trên địa bàn toàn xã đạt khoảng 13 tỷ đồng/vụ. Với thu nhập “khủng” như vậy nên đến vụ năm 2017, người dân trong xã đã tự mở rộng sản xuất, nâng số diện tích trồng từ 65ha lên 80ha, điều này khiến cung vượt quá cầu, thương lái ép giá nên giá su su rớt thê thảm là điều không tránh khỏi.
“Lâu nay người dân thường sản xuất theo kiểu mạnh ai người đó làm, thấy hàng xóm trồng loại cây, quả nào thu nhập cao thì cũng trồng theo, mở rộng diện tích ồ ạt mà không hề tham khảo các tín hiệu từ thị trường. Đặc biệt, chính quyền địa phương và Hội ND cơ sở cũng chưa làm tròn trách nhiệm khi không hướng dẫn bà con tuân thủ quy hoạch, không tạo sự liên kết giữa bà con ND với thị trường khiến bà con bị ép giá, nông sản phải đổ đi” - ông Nhị cho biết thêm.
Ông Vũ Tuấn Dũng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết thêm, năm vừa qua thời tiết ủng hộ nên rau màu phát triển tươi tốt, không riêng gì thị xã Hoàng Mai trồng su su mà nhiều nơi khác cũng trồng loại cây này, dẫn tới cung vượt cầu.
Ứa nước mắt vứt chuối
Ông Hai Thiết bên vườn chuối ế chưa biết bán cho ai. Ảnh: N.V
Những ngày qua sản phẩm chuối ở Đồng Nai cũng mờ mịt đầu ra. Về xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), đi đến đâu cũng nghe bà con bàn chuyện tìm nơi bán chuối. Quán cà phê của bà Xuân ở ấp Tân Thành trở thành nơi tổ chức “hội nghị bàn tròn” để các nhà vườn chia sẻ, tìm đường giải cứu chuối cấy mô.
Anh Nguyễn Văn Út Được (ngụ ấp Tân Thành) cho biết anh phải bỏ bê cả vườn tiêu đang thu hoạch để đi tìm thương lái thu mua chuối 3 ngày nay. “Chỉ cần có người trả 1.500 đồng/kg là tôi về chặt chuối liền” – anh Được nói.
Đến 12 giờ trưa, ông Hai Thiết hồ hởi lao vào quán nước khoe mảnh giấy ghi số điện thoại của một thương lái hẹn ngày mai đến xem vườn. Nhưng khi hỏi ra mới biết mối này chỉ tìm hàng loại 1 đi xuất khẩu, ông Hai xé roẹt tờ giấy, ném thẳng ra đường. Ông giải thích, giá chuối xuất khẩu hiện 2.200 – 3.000 đồng/kg nhưng “khó nuốt” lắm. Theo đó, chuối phải đáp ứng quy cách mẫu mã, trọng lượng, trong khi chuối vườn nhà ông trái đã vượt chuẩn sau bao ngày mòn mỏi chờ thương lái.
Theo anh Được, trung bình 1 mẫu đất trồng được 3.000 cây chuối. Tiền đầu tư 1 mẫu chuối tốn 100 – 150 triệu đồng. Một buồng chuối nặng trung bình 30kg nhưng chỉ đóng thùng xuất khẩu được phân nửa. Với giá 2.000 đồng/kg như hiện nay thì chỉ lỗ vốn, vì phần còn lại hầu như vứt bỏ. “Giá xuống thấp tới cực điểm, thương lái lại chê bai đủ đường. Nải nào quả to hay nhỏ quá là họ loại ra, có một chấm sâu vẽ bùa cũng bị loại. Nhìn họ ném chuối xuống đất mà ứa nước mắt” - anh Được kể.
Bên cạnh đó, người thu mua chuối không chấp nhận đã giao kèo với người này, sau lại bán cho người kia, nên dù giá chợ (tiêu thụ nội địa) chỉ còn 1.500 – 1.800 đồng/kg, nhiều nông dân vẫn chấp nhận vì bán được cả vườn. Nhưng vườn chuối thì nhiều mà thương lái nội địa lại ít, ai cũng réo gọi. Trong tình cảnh đó, giá bán không bị kỳ kèo trồi sụt thì cũng “trôi dài”.
Anh Được kể, cách đây nửa tháng, chuối chín rất nhiều vì nhiều người trồng sớm để đón đầu thu lợi, không ngờ lại hỏng ăn. Cả anh Được và ông Thiết đều mới trồng chuối vụ đầu, tự trồng chứ không hỏi chính quyền. “Vì đâu có ai đứng ra chịu trách nhiệm hay khuyến cáo chúng tôi nên trồng cây gì, trúng ăn trật chịu thôi” - ông Thiết phân bua.