"Đốt thử thì kêu, đốt thật lại xịt" - đấy là câu người ta thường nói cách đây gần 20 năm về quả pháo. Sản phẩm này có tình trạng như thế bởi chủ hàng gian manh đưa chào hàng bằng những sản phẩm tốt nhưng bán hàng kém chất lượng. Gần 20 năm sau, câu nói ấy giờ được dành cho và nhắc đi nhắc lại khi nói về các giải "tiền" của bóng đá VN.
"Tiền" ở đây là những cuộc tranh tài vô thưởng, vô phạt để chuẩn bị cho một giải đấu chính thức nào đó. Tại những giải đấu như thế, bóng đá VN đã đạt rất nhiều danh hiệu mà cái tên cúp gắn liền với một doanh nghiệp hoặc một nhà tài trợ nào đấy. Trong điều kiện của kinh tế và bóng đá VN, những giải đấu "tiền" ấy có sự phù hợp nhất định: Được thi đấu cọ xát mà không phải đi tập huấn nước ngoài, kinh phí đã có nhà tài trợ hỗ trợ. Hơn nữa, các giải đấu ấy còn có tác dụng hâm nóng không khí bóng đá trong nước để khi "lâm trận" thực sự, các trận đấu ở giải chính thức sẽ không bị ế khách.
Nhưng tai hại một điều, sau khi đoạt chức vô địch của các giải "tiền" ấy, bóng đá VN chưa bao giờ lên ngôi ở các giải chính thức ngay sau đó. Buồn cười hơn là thất bại trước chính những đối thủ mà chúng ta đè bẹp trước đó không lâu.
Hai tháng nữa là đến SEA Games 26, đội U23 VN lại đứng trước hai giải "tiền" nữa. Một giải do báo Tuổi trẻ tổ chức và giải Siêu cúp ASEAN với các đội bóng là chính đối thủ của ta tại giải chính thức sau đó: Malaysia, Singapore, Thái Lan...
Hai giải "Tiền SEA Games" trong hai tháng là quá nhiều nếu để lựa chọn đội hình chuẩn. Hai giải với gần chục trận đấu cũng là "quá liều" với thể lực cầu thủ VN và không thể bàn gì về chuyện chọn "điểm rơi phong độ" cho cầu thủ VN khi thi đấu với cường độ như thế.
Có lẽ chúng ta lại sẽ có một hoặc thậm chí cả hai chiếc cúp của 2 giải đấu ngay trước thềm SEA Games. Nhưng đã "nổ" đến mức ấy thì cũng cần coi chừng khi đốt thật khéo lại bị "xịt".
Tuấn Lệ