Năm 2016, dân di cư tự do đến địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn 23 hộ với 58 nhân khẩu. Trong khi đó, các tỉnh ĐBSCL lại rơi vào tình trạng “vườn không nhà trống” vì người trẻ đổ xô lên thành thị kiếm sống.
Ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNT) cho biết, tình trạng di cư tự do tại các địa phương đã giảm mạnh trong năm 2016. Đặc biệt, các vùng có tình trạng di cư tự do phổ biến trong những năm qua như Tây Nguyên, biên giới Việt Nam – Campuchia, các tỉnh phía Bắc… việc di dân cũng đã được hạn chế.
Riêng các tỉnh Tây Nguyên, trong các năm gần đây, số dân di cư tự do đến vùng này đã giảm hơn 90%, trong 3 năm gần đây, mỗi năm chỉ có khoảng 40 – 50 hộ. Riêng năm 2016, số dân di cư tự do đến Tây Nguyên chỉ còn 23 hộ với 58 nhân khẩu.
Ông Trung cho rằng, việc giảm số hộ dân di cư tự do giúp ổn định việc quy hoạch và bố trí dân cư, từ đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế tại các địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 16.000 hộ dân di cư tự do ở Tây Nguyên cần phải ổn định, ngoài ra, số lượng hộ di cư từ Campuchia về sinh sống tại các tỉnh biên giới cũng rất lớn, dễ gây bất ổn định kinh tế - xã hội.
Chị Vi Thị Thanh (áo hồng) – một hộ dân di cư từ Thanh Hóa vào sinh sống tại huyện Đắk G’Long (Đắk Nông)
Tại hội nghị tổng kết công tác ngành kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn năm 2016 và triển khai kế hoạch 2017, tổ chức tại TP Vũng Tàu mới đây, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, bắt đầu từ năm nay, Bộ NNPTNT xem xét thực hiện quy hoạch dân cư ở các biển đảo. Ông Nam cho rằng, Việt Nam với địa hình nhiều đảo, dân cư sống ở biển đảo đang là vấn đề cần quan tâm. Hiện Bộ NNPTNT cũng đang đề xuất các Ban chỉ đạo cùng thực hiện ổn định dân cư trên các đảo.
Ngoài ra, vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị, thanh niên từ các tỉnh vào làm việc tại các khu công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước… khiến ĐBSCL rơi vào tình trạng “vườn không nhà trống”, đất đai bỏ hoang vì không người làm.
“Phải chăng ngành nông nghiệp phải có đề án ổn định dân cư để ổn định sản xuất. Vì dù thế nào thì nông thôn vẫn luôn là hậu cứ an toàn nhất cho nền kinh tế khi xảy ra khủng hoảng kinh tế”, ông Nam đề xuất.