Trái bí gần 100kg
Theo lời kể của ông Lê Hữu Phan: Đầu năm 2011, qua mối quen biết từ người thân bạn bè, ông đã mua về 100 hạt giống bí ngô khổng lồ của Mỹ. Đến tháng 4.2011, ông Phan bắt đầu gieo xuống đất 50 hạt.
Qua nghiên cứu những tài liệu sưu tầm được, ông Phan gieo trên 6 luống đất trong nhà kính, được xới tơi xốp; mỗi luống vun cao khoảng 0,3m và dài khoảng 20m, tổng diện tích 6 luống đất rộng khoảng 150m2. Kết quả là 50 hạt gieo xuống đều nẩy mầm, ông Phan chọn ra 30 mầm cây tốt nhất để thâm canh.
Nhà nông Lê Hữu Phan bên trái bí ngô nặng 80kg. |
Ở giai đoạn nửa tháng đầu, cây phát triển thành dây bò dài trên luống, ra hoa, ông Phan tiến hành thụ phấn bằng tay. Đến tháng thứ ba, dây bí lần lượt đậu trái trên cành, ông Phan giữ lại một trái to duy nhất, khỏe mạnh nhất để chăm sóc.
Đầu tháng 9.2011, ông Phan đã thu hái xuống 11 trái bí có cân nặng mỗi trái từ 30 – 60kg. Đây là những trái bí đậu trên thân dây có biểu hiện phát triển cầm chừng. Còn lại 19 trái bí khổng lồ vẫn đang phát triển xanh tốt trên luống dây, ước cân nặng trái nhẹ nhất là hơn 10kg; trái nặng nhất phải đến 80kg.
Bí “khổng lồ” sắp ra thị trường
Vào thăm vườn và được trực tiếp chạm tay vào những trái bí ngô khổng lồ nằm dính vào những thân dây mỏng manh bò giữa luống đất mới thấy hết sự thú vị. Trên luống là những bẹ lá bí to bằng chiếc nón phủ sát đất. Cứ mỗi dây bí bò trên luống đất, dài nhất là 10m, ngắn nhất là 3m; mỗi dây được ông Phan giữ lại 1 trái để tập trung chăm sóc.
Với những đọt bí và bông bí ngô khổng lồ này, chỉ cần thu hái xuống năm, bảy nhánh là có một đĩa rau ngon đặc biệt cho bữa ăn gia đình. Thu hái một trái bí nặng 5 ký về nấu ăn, ta sẽ cảm nhận được ở ruột bí khổng lồ có vị béo và ngọt bùi hơn nhiều lần so với trái bí ngô thông thường mà ta vẫn ăn.
Về những kỹ thuật chính để trồng, chăm sóc thành công giống bí ngô khổng lồ này, nhà nông Lê Hữu Phan cho biết: Ở giai đoạn bón phân lót các loại phân chuồng, phân vi sinh, phân phòng trừ bệnh nấm đối kháng… phải nhiều hơn liều lượng từ 2 - 3 lần so với các loại rau bí thông thường.
Riêng thời kỳ đậu trái, phải tưới phân pha loãng nước trên thân cây và dưới gốc rễ chính, ít nhất 3 ngày phải tưới một lần. Đồng thời cũng với số lần tưới này, cần tưới nước phân cho các bộ rễ phụ trên thân dây, nhằm đảm bảo đủ dinh dưỡng nuôi trực tiếp từng phần thân dây và góp phần tăng trọng cho trái bí mỗi ngày.
Tuy nhiên, cần chọn thời điểm phù hợp trong ngày, trong tháng để bón phân, phun thuốc dinh dưỡng, đây là những yếu tố chính để quyết định cho cây bí ngô khổng lồ có đậu trái hay không và trái đó phát triển với cân nặng tối đa là bao nhiêu.
Với kinh nghiệm trồng thử thành công bước đầu, ông Phan sẽ tiếp tục trồng thêm khoảng 10 luống bí ngô khổng lồ nữa, và hy vọng sẽ khắc phục được những hạn chế về kỹ thuật “trồng đầu tay” của mình, cố gắng sẽ cho đậu nhiều trái bí cân nặng từ 150 – 200kg.
Hiện tại, những trái bí ngô khổng lồ giống mới của nhà nông Lê Hữu Phan đang được chuẩn bị đưa ra bán ngoài thị trường. Và theo ông Phan, tùy theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường, ông sẽ trồng với quy mô tương ứng. Trước mắt, trong dịp Festival Hoa Đà Lạt năm 2012 tới, ông Phan sẽ đăng ký một gian để trưng bày những trái bí khổng lồ này.
Văn Việt