Vị trí một số vụ việc tàu biển bị cướp khi lưu thông qua vùng biển Sulu-Celebes (Philippines) (ảnh Recaap).
Theo thông tin được Phòng An toàn An ninh Hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam công bố trong tháng 1.2017 tại khu vực Châu Á đã xảy ra 6 vụ cướp có vũ trang tấn công tàu thuyền.
Trong các vụ việc đã xảy ra có 4 vụ việc được thực hiện thành công và 2 vụ việc bất thành. Ở khu vực biển Sulu – Celebes, vùng biển vừa xảy ra vụ tàu Giang Hải bị tấn công, trong tháng 1 cũng xảy ra hai vụ việc.
Đáng lưu ý, trong 6 vụ việc kể trên, có tàu Great Sailor – tàu chở hóa chất mang cờ Việt Nam bị tấn công khi đang lưu thông qua khu vực eo biển Singapore. Rất may, các thủy thủ trên tàu đã phát phát hiện kịp thời, phát báo động, các đối tượng tấn công đã bỏ đi.
Theo đánh giá của Recaap, trong số các vụ việc xảy ra trong tháng 1, vụ tàu cá Malaysia bị nhóm tội phạm có vũ trang tấn công tại khu vực biển Sulu – Celebes và bắt giữ 3 thuyền viên làm con tin được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng.
Trong thời gian gần đây, hoạt động tấn công bắt giữ thuyền viên làm con tin và đòi tiền chuộc đang diễn biến hết sức phức tạp tại khu vực biển Sulu – Celebes và vùng nước ngoài khơi phía Đông Sabah.
Theo báo cáo mới nhất của Recaap, trong các vụ cướp biển tấn công, bắt giữ con tin thời gian qua, đã có 2 thuyền viên, 2 người Philippine đã được trả tự do sau 3 tháng bị giam giữ. Các nạn nhân kể trên bị bắt làm con tin khi tàu chở hàng tổng hợp Dong Bang Giant 2 bị tấn công vào ngày 21.10.2016 tại khu vực vùng nước Bongao, Tawi-Tawi khi trên đường hành trình từ Úc về Hàn Quốc .
Tính từ thời điểm 3.2016 đến hết 1.2017, tại khu vực Châu Á đã có 11 vụ tấn công thành công tàu thuyền khi đang hành trình và bắt giữ con tin đòi tiền chuộc. Tổng số thuyền viên bị bắt giữ làm con tin là 51 người, trong đó 35 thuyền viên đã được thả tự do và 16 thuyền viên vẫn đang bị giữ làm con tin.
Vụ việc 6 thuyền viên tàu Giang Hải của Việt Nam bị cướp biển bắt giữ là vụ việc xảy ra gần nhất.
Recaap tiếp tục đưa ra các khuyến nghị đối với tàu thuyền hoạt động tại khu vực cần cân nhắc điều chỉnh tuyến hành trình để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công. Ngoài ra, Recaap đề nghị các tàu thuyền đi qua khu vực này cần thực hiện báo cáo tới nhà chức trách của Philippines và ESSCOM khi tàu hành trình qua khu vực Sibutu và biển Sulu-Celebes.
Hiệp định Hợp tác vùng phòng chống cướp có vũ trang tàu biển ở châu Á (ReCAAP) đã được ký kết vào ngày 11.11.2004 bởi 16 quốc gia châu Á bao gồm Bang-la-desh, Bru-nei, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Lào, Ma-lai-xi-a, Myanmar, Phi-líp-pin, Xri Lan-ca, Xing-ga-po, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Theo thông báo của ReCAAP, trong tháng 1.2017 vừa qua các vụ việc liên quan đến cướp biển và trộm cướp có vũ trang tấn công tàu thuyền tại khu vực Châu Á vẫn tiếp tục xảy ra, số lượng các vụ việc đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, không có vụ việc nào liên quan đến cướp hàng của tàu dầu. |