Đồng vốn có ý nghĩa lớn
Theo ông Nguyễn Chí Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), tổng dư nợ các chương trình cho vay ủy thác thông qua Hội tại địa bàn đạt khoảng 10 tỷ đồng, với 460 hộ vay vốn. Hiện nay, phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế nông hộ tại địa phương phát triển mạnh, nhu cầu vốn của ND cũng rất cao. Thời gian qua, từ đồng vốn của chương trình cho vay hộ cận nghèo, nhiều hộ đã có điều kiện đầu tư vào sản xuất. Nhiều hộ từ khó khăn đã vươn lên làm giàu chính đáng.
Gia đình ông Ca Văn Bình ở phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) khấm khá nhờ được vay vốn ưu đãi đầu tư nuôi dê, bò. Ảnh: Chúc Ly
Hiện, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Long thực hiện đạt 1.502 tỷ đồng với 98.500 khách hàng còn dư nợ, trong đó chương tình cho vay hộ cận nghèo đạt 42,3 tỷ đồng với 2.583 hộ vay. |
Là một trong những người được vay vốn từ chương trình hộ cận nghèo, ông Ca Văn Bình (ngụ khóm Đông Thuận, phường Đông Thuận) bộc bạch: “Tôi có được mô hình chăn nuôi bò, dê kết hợp trồng hẹ sung túc như hiện nay, một phần nhờ đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Đến nay, mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Tôi vừa cất xong ngôi nhà khang trang trị giá hơn 100 triệu đồng…”.
“Đối với những hộ cận nghèo như gia đình tôi, đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH thật sự rất kịp thời và có ý nghĩa lớn. Nhờ được vay vốn mà nhiều hộ không những không tái nghèo, mà còn vươn lên làm giàu…” – ông Ca Văn Lấn, ngụ cùng khóm Đông Thuận bày tỏ.
Phối hợp tốt với hội, đoàn thể
Theo bà Võ Thanh Thủy – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Bình Minh, thông qua chương tình cho vay hộ cận nghèo, nhiều đối tượng chính sách cần được hỗ trợ không bị “bỏ quên”. “Nếu không có chương trình cho vay này, nhiều hộ không biết vay từ chương trình nào khi họ đã thoát nghèo nhưng vẫn còn nhiều khó khăn…” - bà Võ Thanh Thủy chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long thông tin thêm, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, ngân hàng đã thường xuyên phân tích nợ quá hạn, nợ lãi tồn đọng theo từng chương trình cho vay và từng đơn vị trực thuộc, cảnh báo các phòng giao dịch trực thuộc có tỷ lệ nợ xấu và nợ lãi tồn đọng cao hơn so với mức bình quân chung của đơn vị. Qua đó, chi nhánh kịp thời đưa ra các giải pháp chỉ đạo chấn chỉnh nhằm hạn chế, giảm nợ xấu và nợ lãi tồn đọng phát sinh.
“Thời gian tới, việc phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp tiếp tục được củng cố. Chúng tôi cũng tăng cường các biện pháp thu lãi các hộ vay, tham gia trong ban thu hồi nợ quá hạn cùng cấp để tổ chức kiểm kê, phân loại nợ tồn đọng, đề xuất chính quyền cơ sở xử lý các trường hợp cố tình gây khó khăn chậm trả, chiếm dụng…” - ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định.