Dân Việt

Ám ảnh phút giây thuyền viên Việt Nam đối mặt với cướp biển

Thùy Anh 21/02/2017 17:25 GMT+7
“Lúc bị 20 xuồng cao tốc của cướp biển Somali dượt duổi, áp sát thành tàu, mắc thang dây chuẩn bị leo lên tàu, anh em thủy thủ trên tàu rất hoảng loạn. Một số cầu nguyện, số khác chủ yếu thuyền viên của Việt Nam thì co cụm, ôm siết nhau để tránh làn đạn của cướp biển. Lúc đó, nhìn mặt ai cũng trắng bợt, cắt không còn một giọt máu”.

Anh Nguyễn Văn Tùng (Hà Nội) kể lại phút giây 23 thuyền viên đối mặt với cướp biển Somalia.

Thủy thủ Nguyễn Văn Tùng, từng có 10 năm kinh nghiệm lênh đênh trên các tàu viễn dương chia sẻ về những phút giây đối mặt với cướp biển. Nỗi lo sợ về việc bị cướp biển rượt đuổi vẫn còn ám ảnh trong từng lời kể của anh.

Năm 2009, Tùng đi trên tàu trọng tải hơn 7 vạn cùng với 23 thuyền viên có 4 quốc tịch gồm Việt Nam, Nga, Ấn Độ, Gruzia… Thuyền của Tùng vận chuyển dầu thô, hành trình từ Ai Cập tới Ấn Độ. Thời gian di chuyển mất khoảng 30 ngày. Hành trình của thuyền chạy từ Aden qua biển Đỏ qua sừng Châu Phi (qua vùng biển Somalia). Lúc bắt đầu đến vịnh Aden, chừng 7 giờ sáng trên rada của buồng thuyền trưởng phát hiện khoảng 20 xuồng cao tốc đang bám đuổi. Mỗi xuồng của bọn cướp có 2-3 người được trang bị vũ khí, súng AK.

Lúc bị bám đuổi, thuyền trưởng của tàu đã ra báo động với các thủy thủ trên tàu. Lúc đó tàu đang chạy với hải lực khoảng 13 hải lý/giờ. Lúc đó, xuồng của bọn cướp biển Somalia cũng bắt đầu tăng tốc lực đuổi theo. Chỉ chừng 10 phút sau thì xuồng cao tốc của chúng đã vây kín tàu của anh Tùng và bắt đầu xả đạn thị uy.

“Lúc đó thuyền trưởng của tàu mình tăng hết tốc lực chạy dích dắc để đối phó, hai thành tàu bắt đầu phun vòi rồng hết công suất để cướp biển không tiếp cận được tàu. Đồng thời thuyền trưởng tàu cũng ngay lập tức phát đi tín hiệu cho tàu hải quân Liên Hiệp Quốc đang làm nhiệm vụ gần đó. Độ khoảng 1 tới 2 tiếng thì khoảng cách xuồng của cướp biển với thuyền của mình đã rất gần rồi. Chúng bắt đầu dựng thang móc vào tàu để chèo lên tàu” – anh Tùng nhớ lại.

img

Phút giây nghỉ ngơi, liên hoan hiếm hoi của các thuyền viên trên tàu.

Anh Tùng cho biết, lúc đó, tất cả anh em thủy thủ và cả thuyền trưởng đều hết hy vọng, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đầu hàng. Lúc đã xác định là bị bắt rồi thì bỗng trên trời xuất hiện máy bay của hải quân Tây Ban Nha tuần tiễu. Sau khi phát tín hiệu thì bọn cướp biển mới rời đi nơi khác.

“Mặc dù đi biển lâu năm, cũng từng được tập huấn xử lý khi gặp cướp biển nhưng thật sự phút giây đối mặt không hề dễ dàng. Mọi việc diễn ra quá nhanh, khiến cho anh em chẳng kịp suy nghĩ gì” – anh Tùng nói.

Theo lời một số thuyền viên, vào những năm trước (từ 2007 -1010) thì vùng biển Aden thuộc Somalia là vùng biển “nóng” về cướp biển. Lúc đó, hải quân của một số nước như Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ấn Độ thường lập một chốt ở đó để bảo vệ các tàu qua vùng nguy hiểm.

Cũng chính bởi việc được các tàu hải quân bảo vệ đi qua khỏi điểm “nóng “ cướp biển Somalia nên giờ đây tình trạng cướp biển ở khu vực này đã giảm rõ rệt. Thay vào đó, tình trạng cướp biển ở vùng biển Đông Nam Á ngày càng tăng. Gần đây, tại khu vực eo biển Singapore và eo biển Malacca tình trạng các tàu cướp biển hoạt động mạnh mẽ, tính chất cũng nguy hiểm hơn.

Chia sẻ về sự việc 7 thuyền viên bị bắt cóc, một thuyền viên trên tàu Giang Hải  bị bắn chết đêm 19.2, anh Tùng cho rằng, khi đã bị cướp biển khống chế thì tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của chúng, không kháng cự để bảo vệ tính mạng.

                                                                                               

“Khi phát hiện mục tiêu có nguy cơ là cướp biển tiến về phía tàu mình thì thuyền trưởng của tàu phải có hành động nhanh dứt khoát. Ngay lập tức gửi tín hiệu báo động về các trung tâm phòng chống cướp biển của bờ. Đồng thời theo dõi, trong phạm vi khoảng cách dưới 6 hải lý thì tăng máy chạy rích rắc, đồng thời phun vòi rồng để tránh cướp biển áp sát tàu. Trong trường hợp cướp biển đã lên được tàu, khống chế tàu thì phải làm theo yêu cầu của cướp biển. Về nguyên tắc cướp biển chỉ cướp tài sản, hàng hóa, tiền bạc chứ không giết người”.

Anh Lê Xuân Thắng, thủy thủ của Công ty tàu Vinaline Hà Nội