Ông Nguyễn Đức Trọng cho biết: “Thịt lợn hơi trong giai đoạn cuối năm 2016, đầu năm 2017 biến động mạnh, giá bán thấp hơn giá sản xuất khiến nông dân thua lỗ. Nguyên nhân do trong thời điểm đầu và giữa năm 2016, giá lợn ở mức cao (56.000 – 58.000 đồng/kg), người chăn nuôi có lãi nên nhiều cơ sở và các hộ sản xuất vào chuồng ồ ạt. Lâu nay bà con vẫn chăn nuôi theo kiểu thấy giá cao là tăng đàn, giá giảm là giảm đàn, và như thế chỉ tầm 4 - 6 tháng sau cung cầu sẽ mất cân đối, khiến giá cả không ổn định. Thời điểm đó, Cục Chăn nuôi và Bộ NNPTNT đã khuyến cáo bà con đừng tăng đàn ồ ạt, nhưng người dân thấy có lợi nên vẫn bỏ qua khuyến cáo của cơ quan chức năng”.
Chăn nuôi lợn dư thừa: Địa phương còn yếu khâu quản lý, hướng dẫn (Ảnh minh họa)
Có nhiều ý kiến cho rằng vai trò quản lý kiểm soát, hướng dẫn, thông tin tuyên truyền của địa phương đối với người chăn nuôi là rất quan trọng, tuy nhiên các địa phương đã chưa làm tốt vai trò này. Đồng tình quan điểm đó, ông Trọng cho rằng: “Từ năm 2014, Bộ NNPTNT đã ban hành đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi, nhưng các tỉnh không để ý. Nếu quản lý giống tốt thì sẽ có hệ thống giống hoàn chỉnh, quản lý và kiểm soát được sản xuất chăn nuôi. Hiện nay các tỉnh đang cố gắng thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất mà quên mất tính toán đầu ra, cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ, không để ý đến chế biến, giết mổ và các khâu khác trong chuỗi sản xuất. Chính vì vậy, tác động của địa phương đối với việc tái đàn, giảm đàn là chưa nhiều. Người dân chăn nuôi nhưng không có tính toán, không biết bán cho ai, đến khi giá xuống thấp lại bỏ chuồng, lại khan hàng, đẩy giá lên cao. Vòng luẩn quẩn đó cứ thế lặp đi lặp lại”.
Hiện nay giá thịt lợn đã nhích lên nhưng vẫn chưa như kỳ vọng, trong bối cảnh này nếu người dân không tiếp tục tái đàn, vào chuồng thì đến tháng 6.2017 sẽ diễn ra tình trạng khan hiếm hàng”. Ông Nguyễn Đức Trọng |
Mặc dù nước ta có 2 thành phố tiêu thụ thịt lợn lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, nhưng theo ông Trọng, 2 địa phương này hiện không sản xuất đủ nhu cầu nên phải nhập lợn hơi từ các tỉnh lân cận. Tuy nhiên các tỉnh này không có động thái cùng ngồi lại với nhau để lên kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cụ thể.
Để chủ động sản xuất, tránh tình trạng cung cầu “lệch pha”, Bộ NNPTNT cùng các địa phương khuyến khích người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất, chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn VietGAP; chú trọng liên kết với các doanh nghiệp để tạo nên chuỗi sản xuất bền vững từ con giống, thức ăn, chế biến, tiêu thụ và phải có cam kết, có hợp đồng, kế hoạch. Với chuỗi liên kết khép kín liên hoàn đó, cung cầu sẽ cân bằng, giúp giá cả ổn định. Về phía chính quyền địa phương cần rà soát kịp thời và chấn chỉnh lại chăn nuôi lợn để sản xuất bền vững, sản phẩm mang tính cạnh tranh.
Cũng theo ông Trọng, khi tạo ra được chuỗi sản xuất bền vững, chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên, chi phí giảm, giá thành sẽ giảm theo, cung cầu trong nước ổn định, lúc đó chúng ta sẽ hướng đến xuất khẩu chính ngạch, mở rộng thị trường.