Trao đổi với PV Dân trí vào sáng 23/2, với quan điểm cá nhân và là đơn vị tham mưu cho UBND quận, một lãnh đạo Phòng Nội vụ quận Cầu Giấy cho hay, hiện nay bà Ngọc vẫn đang rất sốc và phải nằm viện do tình trạng sức khỏe không được tốt nên quận vẫn chưa gặp để đưa ra hướng giải quyết.
Sau khi chờ cô Ngọc ra viện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng xem mới có cách sắp xếp phù hợp. Kể cả trường hợp của cô Hương (nguyên Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên) cũng sẽ được xử lý tương tự do hiện nay cô Hương đang xin nghỉ phép.
Theo Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, việc sắp xếp trực tiếp giảng dạy cho hai nhân sự bị cách chức là điều chưa được tính đến.
Trả lời câu hỏi liệu bà Ngọc lại được chuyển sang làm quản lý tại một đơn vị khác, như trước đây đã từng xảy ra? Lãnh đạo này cho hay, theo quy định về tuổi công tác, năm 2018 bà Tạ Thị Bích Ngọc sẽ nhận quyết định nghỉ hưu nên điều này không thể xảy ra. Còn bà Nguyễn Thị Hương năm 1984, còn hơn 20 năm công tác nữa nhưng việc quyết định cho nhân sự này cũng sẽ được tính toán để có hướng sắp xếp phù hợp.
“Tuy nhiên, trước hết phải xem xét nguyện vọng cá nhân của các cá nhân có liên quan mới có hướng tham mưu để sắp xếp phù hợp. Việc có tiếp tục bố trí cho hai nhân sự này giảng dạy nữa không, chúng tôi sẽ phải phối hợp với Phòng GD&ĐT quận để có hướng xử lý”, lãnh đạo này cho biết.
Trao đổi về điều này, bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, người được giao kiêm nhiệm quản lý điều hành chung Trường tiểu học Nam Trung Yên từ ngày 21/2/2017 cho biết, Phòng GD&ĐT sẽ xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND quận. Tuy nhiên, tinh thần chung là phải tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi ra quyết định. Trong đó, việc trực tiếp đứng lớp giảng dạy học sinh là điều không được tính đến.
Các giáo viên Trường Nam Trung Yên tại buổi họp công bố cách chức hai lãnh đạo trường này (ảnh: Mỹ Hà)
Như PV Dân trí đã từng đăng tin trước đó, vào năm 2006, bà Ngọc từng làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc cũng cùng quận Cầu Giấy và từng bị phanh phui vì việc lập “quỹ đen” tại trường này bằng việc bớt khẩu phần ăn hàng ngày của hơn 400 học sinh bán trú. Sau đó bà Ngọc vẫn được bổ nhiệm Hiệu trưởng tại Trường tiểu học Nam Trung Yên.
Về điều này, lãnh đạo quận Cầu Giấy cho hay, quyết định bổ nhiệm bà Ngọc làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên thời đó được đưa ra khi bà Ngọc đã hết thời gian chịu kỷ luật ở Trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc.
Cụ thể, sự việc được phát hiện vào cuối năm 2006 và đến tháng 1/2007, quận có quyết định kỷ luật mức độ “Khiển trách”, với thời hạn hiệu lực là 12 tháng, sau khi khắc phục hậu quả bằng việc bù tiền vào quỹ nhà trường.
Trong khoảng thời gian 12 tháng này, bà Ngọc vẫn giữ chức vụ hiệu trưởng, song sẽ không được các khen thưởng, không được nằm trong đối tượng quy hoạch, không được bổ nhiệm lên các cấp cao hơn như giáo viên bình thường. Đến khi Trường Tiểu học Nam Trung Yên được thành lập vào tháng 5/2008, quận mới có quyết định điều động, bổ nhiệm bà Ngọc về làm hiệu trưởng. Tức là khi đó bà Ngọc đã hết thời gian chịu kỷ luật.
Trước đó, vào ngày 21/2, Hội đồng kỷ luật UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã chính thức công bố kết luận cách chức bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Hương - Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) liên quan đến vụ tai nạn của cháu Trần Chí Kiên tại trường này. Theo Hội đồng kỷ luật quận, việc cách chức này do bà Ngọc đã vi phạm nghĩa vụ của công chức trong thực thi công vụ, không hoàn thành nhiệm vụ quản lý điều hành, không trung thực trong báo cáo vụ việc xảy ra tai nạn của học sinh tại trường, cố tình che giấu vi phạm gây khó khăn cho cơ quan điều tra; vi phạm rất nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề giáo viên, tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên Thủ đô nói chung và ngành giáo dục nói chung. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Cùng với đó, UBND quận Cầu Giấy cũng đã kỷ luật bà Nguyễn Thị Hương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên với hình thức cách chức. |