Dân Việt

Rừng xanh nơi biển bạc

22/10/2011 06:48 GMT+7
(Dân Việt) - Rừng ngập mặn ở Thái Bình bắt đầu được trồng từ những năm 1994. Đến nay đã có hàng nghìn ha rừng được trồng phủ xanh nơi biển bạc này, vừa là "lá chắn" bảo vệ, vừa đem lại sự ấm no cho người dân nơi đây.

Thái Bình có hai huyện ven biển là Thái Thụy và Tiền Hải, bãi biển rộng, đê dài, nhưng không có rừng chắn sóng, hễ có bão là lại vỡ, sạt lở đê, gây thiệt hại nặng nề mùa màng.

img
Rừng ngập mặn là "lá chắn" bảo vệ và giúp người dân Thụy Hải thoát nghèo.

Mỗi năm thêm 40-50ha rừng

Ý thức được những tác động của thủy triều, bão, Thái Bình đã phát động hàng trăm đợt trồng rừng ngập mặn chống bão, biến đổi khí hậu và đã trồng được hàng chục ngàn ha rừng. Trong đó, huyện Thái Thụy có diện tích rừng lớn nhất, với khoảng 4.700ha trải dài trên 27km bờ biển, chủ yếu thuộc địa bàn xã Thụy Hải.

Ông Nguyễn Công Nhần - Chủ tịch UBND xã Thụy Hải cho biết: “Thụy Hải là vùng "rốn lũ", mỗi năm gánh chịu 3 - 4 cơn bão, nên hậu quả rất nặng nề. Nhận thức rõ điều đó, nên khi chúng tôi vận động trồng rừng chắn sóng, bão bảo vệ đê biển, bà con rất nhiệt tình tham gia. Trung bình mỗi năm chúng tôi trồng được 40 - 50ha rừng chủ yếu là vẹt, sú. Hiện xã có khoảng 600ha, độ che phủ gần 90%”.

Nhớ lại những ngày chưa có rừng chắn sóng, ông Vũ Văn Hùng, thôn Quang Lang, xã Thụy Hải nói: "Cứ bão cấp 6 - 7 là lại vỡ đê, tràn đê, nước ngập trắng đồng, muối, tôm, cá, hoa màu đều mất trắng, nhà cửa thì bị tốc mái, xiêu vẹo. Vài năm gần đây, rừng được trồng dọc các bãi biển, nên đã hạn chế được thiệt hại do thiên tai. Cứ như trước, làm cả năm bão phá một ngày là trắng tay".

Để đẩy mạnh việc trồng rừng, các xã ven biển đã tiến hành giao đất, giao rừng cho các hộ dân quản lý và trồng mới. Theo đó, các hộ trồng rừng sẽ được hưởng công trồng, chăm sóc từ kinh phí của huyện, xã, đặc biệt họ sẽ được hưởng toàn bộ nguồn lợi thủy, hải sản từ rừng đem lại, do đó người dân rất tích cực tham gia.

Nguồn lợi từ rừng

Ông Nhần cho biết, lúc đầu công tác triển khai trồng rừng ở Thụy Hải gặp rất nhiều khó khăn, do người dân chưa nhận thức được lợi ích từ việc trồng rừng ngập mặn và đời sống còn khó khăn nên rất ít người tham gia. Phải đến khi những cánh rừng được trồng từ những năm 1994 - 1996 mang lại tôm, cá, đê cũng ít vỡ, sạt lở, lúc đó bà con mới tích cực trồng rừng. Nhờ có rừng mà mỗi năm xã tiết kiệm được hàng tỷ đồng tiền tu bổ, sửa chữa đê, để quay vòng đầu tư trồng rừng.

Theo các nhà khoa học, rừng ngập mặn không chỉ có nhiệm vụ chắn sóng, bão, mà nó còn có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học. Họ cũng chỉ ra rằng, nguồn lợi mà rừng ngập mặn mang lại cho con người là rất lớn. Từ khi có rừng ngập mặn, môi trường sinh thái vùng ven biển đã được cải thiện, các loài thủy sản cũng phong phú hơn. Đặc biệt, các khu bãi ngoài, bãi triều đã được người dân sử dụng để nuôi trồng thủy sản, nhờ đó đời sống của người dân Thụy Hải đã có nhiều thay đổi.

Thái Bình có hơn 7.000ha rừng ngập mặn, mỗi năm trồng mới 1.000ha. Dưới rừng có 137 loài động vật đang sinh sống, trong số đó có 123 loài chim, 156 loài cá, thủy sinh. Riêng xã Thụy Hải có 600ha rừng và 700ha bãi ngao, với hơn 100 hộ nuôi trồng tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Anh Lê Văn Tuấn ở xóm 2, thôn Quang Lang một trong những hộ nhận trồng và bảo vệ rừng cho hay: "Ngoài được Nhà nước hỗ trợ 80.000 đồng/ha/năm, gia đình tôi chủ yếu sống dựa vào nguồn tôm, cua, ngao… từ rừng sú, vẹt mang lại. Trung bình thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng".

Đang bắt tôm, cua, cào ngao dưới những tán rừng sú, vẹt, chị Nguyễn Thị Ngọc xóm 4, thôn Quang Lang cho hay: "Mấy năm nay, tôm, cua, cá và đặc biệt là ngao cũng nhiều hơn. Nhà tôi không có rừng, nên cứ thủy triều rút, tôi và mấy chị em trong xóm lại ra bãi triều cào ngao. Cào từ sáng đến lúc nước lên được khoảng 10kg ngao, bán được 200.000 đồng. Hôm nào may còn bắt được cả cua, ghẹ thì thu nhập cũng kha khá".