Dân Việt

Hai vợ chồng chung một bàn chân...

23/10/2011 12:25 GMT+7
(Dân Việt) - Hai vợ chồng tôi đều là người khuyết tật, anh ấy không có hai chân, còn tôi thì thiếu một. Chúng tôi đã đến với nhau bằng tất cả sự đồng cảm, khát vọng sống...

Nhớ những ngày đầu sau khi vượt qua rất nhiều thử thách để về ở với nhau dưới một mái nhà, mỗi khi anh ấy gắng sức vịn tay tập di chuyển bị ngã, tôi tập tễnh một chân đến đỡ chồng dậy và an ủi: "Anh phải tự tin lên, đừng bi quan về bản thân, ít ra hai vợ chồng mình vẫn còn có một chân để mà đứng vững giữa cuộc đời này cơ mà"...

Tôi sinh ra ở một vùng quê lam lũ, cảnh gia đình nghèo nên từ nhỏ tôi đã phải bôn ba kiếm miếng cơm, đồng tiền phụ giúp cha mẹ nuôi 5 anh chị em. Thế rồi sau một tai nạn giao thông định mệnh năm 1993, tôi mất một chân, phải gắn chặt cuộc đời với những bước đi tròng trành trên chiếc chân giả.

Khóc đến cạn nước mắt, mọi hy vọng về tương lai như trở nên xa vời cho đến ngày tôi được người ta giới thiệu đến học tại một trung tâm đào tạo kỹ thuật chỉnh hình.

img
Vợ chồng chị Nguyệt Ánh và các con.

"Mình không thể dễ dàng gục ngã, đầu hàng số phận", tôi tự nhủ và đã quyết tâm đứng dậy hăng say luyện tập, phục hồi chức năng để lao động kiếm sống và tiếp tục giúp đỡ người thân. Năm 1996, tình cờ xem được một cuộc thi thể thao của những người khuyết tật trên tivi, khát vọng điền kinh thời còn lành lặn trong tôi lại bừng lên. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình, tôi đã đăng ký và ghi được tên mình vào Câu lạc bộ Khúc Hạo với hy vọng phải làm được một điều gì đó để khẳng định bản thân còn có ích.

Hàng ngày chăm chỉ đạp xe 15 cây số từ nhà đến trung tâm để tập luyện, từ chỗ ban đầu làm quen với chiếc xe lăn hết đau cơ tay lại đến cơ chân cuối cùng tôi đã có tên trong danh sách thí sinh tham dự cuộc đua môn xe lăn nữ tại Quảng Trị sau đó 2 tháng và giành được Huy chương Bạc.

Bất ngờ ấy không chỉ là niềm vui, mà còn tiếp thêm nghị lực, tạo đà cho tôi trong những cuộc đua sau này. Huy chương Vàng đến với tôi ngay trong tháng 10 năm đó tại cuộc đua toàn quốc môn xe lăn nữ 10km và tính đến nay sau 14 năm thi đấu trong màu áo của Đội tuyển thể thao khuyết tật Việt Nam, tôi đã giành được không ít Huy chương Vàng tại các đấu trường Đông Nam Á, châu Á và thế giới.

"Ánh là một phụ nữ khuyết tật thành công" - nhiều người đã nhận xét như vậy, nhưng với tôi điều quan trọng và tự hào hơn cả đó là mình đã thành công trong việc vun vén, chăm lo được cho tổ ấm thiêng thật toàn vẹn.

Chồng tôi cũng vì tai nạn giao thông mà mất cả hai chân và chúng tôi đã đến với nhau bằng tất cả sự đồng cảm, khát vọng sống để cùng chăm lo cho mẹ già và hai con nhỏ (một trai, một gái) khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi.

Chồng làm nghề sửa chữa điện tử tại nhà, vợ thường xuyên phải tham gia các cuộc du đấu xa nhà, xa Tổ quốc, dù không có nhiều thời gian dành cho nhau, nhưng chúng tôi chưa bao giờ để cho cơm không lành, canh không ngọt.

Nếu ai đó hỏi, sức mạnh nào đã tiếp cho tôi để đạt được những thành quả như hôm nay, tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng: Đó là hậu phương gồm mẹ chồng, các con và chồng tôi. Dù hai vợ chồng chỉ chung nhau một bàn chân, nhưng chúng tôi vẫn đứng vững để tạo dựng cho các con một bệ đỡ vững chắc đó là gia đình...

Chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội.