Tập cuối cùng của “Thách thức danh hài” mùa 3 lên sóng vào tối 22.2 đã gây nhiều luồng tranh cãi gay gắt trên các phương tiện thông tin đại chúng khi thí sinh Lê Tấn Lợi, chàng “hot boy trà sữa” từng gây chấn động từ vòng ngoài bởi cách diễn ngây ngô, khờ khạo, lại chiến thắng vòng Gala quá dễ dàng.
Phần thi không có sáng tạo nhưng vẫn lãnh giải 150 triệu, phần thi của Tấn Lợi bị "ném đá" nhiều nhất trong mùa 3.
Sau đêm thi vòng ngoài giành 100 triệu, Lê Tấn Lợi được dân mạng “bóc phốt” là cố tình diễn vẻ khờ khạo để đánh lừa danh hài Trấn Thành và Trường Giang, khi anh từng thi mùa 2 với vẻ lanh lợi, hoạt ngôn. Sau đêm đó, khán giả cũng phần nào biết tính cách và “chiêu trò” của Tấn Lợi, thậm chí giám khảo Trường Giang cũng “nhắc khéo”, giải thích vì sao anh không buồn cười về phần thi của Tấn Lợi ở vòng Gala.“Lần đầu tiên, anh gặp em, anh chưa biết gì em hết nên anh cười, chứ các vòng thi ở gala anh chưa cười vì anh biết em là con người như vậy rồi…!” - danh hài "Mười Khó" nhận xét.
Ở vòng Gala, trong khi danh hài Trường Giang có vẻ vô cảm với phần thi của Tấn Lợi thì Trấn Thành lại cười khoái chí trong cả 5 vòng, thậm chí ngay cả cách dùng từ phản cảm, khiếm nhã của Tấn Lợi ở vòng 5.
Dùng từ khiếm nhã vẫn chiến thắng: Giám khảo có dễ dãi?
Trần Thành bị đánh giá là giám khảo dễ cười nhất cuộc thi!
Đó là câu hỏi chung của rất nhiều khán giả truyền hình khi xem phần thi của Tấn Lợi. Trên youtube, tập thi của Tấn Lợi cũng nhận nhiều dislike, nhận xét gay gắt khi chiến thắng không thuyết phục, nhận xét anh diễn “vô duyên”, “gượng gạo” và “nhạt toẹt”. Thậm chí anh còn thẳng thừng gọi vợ sắp cưới là “mập đ…”, một từ ngữ kém duyên và phản cảm ngay trên sóng truyền hình.
Một tài khoản FB N.T.K nhận xét: “Thật khó hiểu vì sao một tiểu phẩm đã diễn ở vòng ngoài, mang vào Gala thêm chút mắm muối nhưng vẫn nhạt như… ốc vẫn khiến Trấn Thành cười đã đời. Trong khi thí sinh Cẩm Hà đầu tư bài thi tốt, có sáng tạo thì giám khảo “im bặt”?”.
Một khán giả lớn tuổi N.B có ý kiến: “Ở vòng Gala, thí sinh cần sử dụng thông minh nhiều hơn để gây cười thì Trấn Thành có vẻ dễ dãi để thí sinh lấy giải. Thậm chí, tiết mục của Tấn Lợi không thể gây cười thì Trấn Thành lại có vẻ khoái chí!”
Độc giả V.T bình luận thêm: “Anh Thành dễ cười quá, cười bất chấp, cười vô tội vạ. Đành rằng một chương trình nhà sản xuất luôn mong tìm người chiến thắng, nhưng khán giả cần người chiến thắng để lại nhiều ấn tượng nào đó. Ba năm rồi, mùa nào anh Thành cũng cười một cách khó hiểu vì đôi lúc diễn xuất không đáng cười”. Độc giả này cho biết thêm đang dần chán chương trình vì mang tiếng giám khảo cuộc thi “Thách thức danh hài” mà lại cười một cách dễ dãi với những kiểu chọc cười tào lao, kém duyên.
Thí sinh Cẩm Hà được khán giả yêu mến và đánh giá xứng đáng giành giải thưởng 150 triệu vì kịch bản có đầu tư, thông minh.
Tuy nhiên, bên cạnh việc “ném đá” về cách cười có phần thoải mái của Trấn Thành, nhiều ý kiến bênh vực anh, cho rằng cảm xúc còn phụ thuộc vào tác động của khán giả trường quay, những yếu tốt thực tế trên sân khấu và cả sự yêu thích từ trước đó dành cho thí sinh.
Tấn Lợi tự nhận “diễn sâu” để chọc cười!
Trở lại câu chuyện “hotboy trà sữa” diễn hay… thật, nhiều người đánh giá anh là có phần tinh ranh khi xây dựng tính cách trái ngược hoàn toàn so với mùa thi trước để đánh lừa giám khảo, lấy tiếng cười bằng sự ngô nghê, khờ khạo.
Trong một cuộc talkshow sau chương trình, Tấn Lợi khẳng định đó là tính cách thật, khi lên sân khấu với lời mở đầu dễ gây cười, anh đã nhanh chóng bám vào “điểm yếu” đó để liên tục "câu dẫn" khán giả. Anh thừa nhận tính cách ngoài đời là hiền lành, có phần chân chất nhưng trong Thách thách danh hài thì phải “diễn sâu” mới chọc cười giám khảo.
Về cách diễn, dù “diễn sâu” hay khờ khạo thật, nhìn nhận thực tế thì Tấn Lợi vẫn là chàng trai thông minh, tinh ranh và có tính toán trong việc lấy 250 triệu. Ở một cuộc thi mà các thí sinh cần “tìm chiêu” để chọc cười thì việc “giả ngố” hay diễn sâu cũng là điều dễ chấp nhận, cốt lõi ở việc là việc làm giám khảo cười trong 60 giây.
Hàng trăm thí sinh chọc cười bằng việc diễn có kịch bản, có bạn hỗ trợ hay đạo cụ thông minh, sử dụng mảng miếng có đầu tư, thế nên giám khảo thường có sự “đề phòng” trước. Vì vậy, việc một chàng trai mang vẻ khờ khạo lên sân khấu, nói từ ngữ vụng về, kể chuyện hài với kiểu chân quê có thể xem là “liều thuốc mới” với các danh hài.
Dù diễn hay thật, Tấn Lợi cũng được đánh giá là chàng trai thông minh.
Cũng từ chiến thắng của chàng trai có dáng vẻ nhà quê Tấn Lợi, chương trình sẽ có sự chú ý nhiều hơn về đối tượng dự thi. Việc giám khảo cười dễ dàng, thí sinh được tiền thưởng nhanh chóng cũng khiến việc đăng ký dự tuyển vào năm sau có thể tăng đột biến.
Vì thế, việc để Tấn Lợi chiến thắng dễ dàng không hẳn là điều vô lý, có thể giám khảo bị “ném đá” nhưng nhà sản xuất lại “thở phào” vì chương trình khép lại với rating tốt, sự tập trung đổ dồn vào mùa 3 tăng cao và mở cánh cửa cho mùa 4 thu hút sự chào mời của đối tác doanh nghiệp. Ở bất cứ phương diện nào, dù khán giả khen ngợi hay chửi mắng, chương trình vẫn xem là thành công. Vì ở Việt Nam, càng ném đá thì lại càng chú ý!