Dân Việt

Việt Nam ghép được phổi: Hàng nghìn người sẽ có cơ hội kéo dài sự sống

Diệu Thu 25/02/2017 10:56 GMT+7
Ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống.

img

Bộ trưởng Bộ y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và tặng quà bệnh nhân đầu tiên vừa được ghép phổi ở bệnh viện 103

Tối 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi vào thăm và tặng quà bệnh nhân đầu tiên vừa được ghép phổi ở Bệnh viện 103. 

Người được ghép phổi là cháu Ly Chương Bình, sinh năm 2010, đến từ thôn Na Cạn, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, từ hai người cho sống là bố và bác ruột tại BV Quân Y 103 ngày 21/2 vừa qua.

Trò chuyện với Bộ trưởng, bà ngoại bé Chương tên là Chạo Thị Mười (SN 1951), bày tỏ niềm vui khi người cháu ngoại 7 tuổi của bà được cứu sống, gửi lời cảm ơn tới các y bác sĩ trong và ngoài nước đã ghép phổi cho cháu ngoại của bà.

“Giờ thì cháu tôi đã khỏe lại rồi. Tôi cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm” – bà Mười nói.

Anh Ly Cù Toàn – 30 tuổi, bác ruột bé Bình cho biết, anh đã có hai con (1 trai, 1 gái), khi biết tin cháu Bình cần ghép phổi, anh đã tự nguyện hiến cho cháu để cứu sống cháu: “Cháu của mình bị bệnh, thương lắm! Lúc đầu tôi cũng hơi lo lắng, sợ, nhưng các bác sĩ động viên, phân tích nên cũng yên tâm” – anh Toàn nói.

Còn chị Phàn Thị Tâm, mẹ bé Bình cho biết, từ khi sinh ra, hơn 2 tháng Bình bắt đầu ốm nặng nhưng tới 3 tuổi mới đưa con đi viện khám, khi đó viêm phổi, ho hen. Con điều trị ở viện 1 tuần mãi không khỏe, anh chị đưa con về nhà, hái thuốc nam uống nhưng bé không khỏi hẳn. Đặc biệt cứ vào mùa đông lại càng ốm nặng hơn.

Đến năm 2016, Bình bắt đầu ốm nặng hơn, anh chị đưa con đi viện tỉnh hơn 2 tuần. Khi cổ hết khò khè, anh chị lại đưa con về nhà.

“Không biết con ăn phải cái gì lại tái phát, tôi lại lại đưa con về viện tỉnh, hơn 2 ngày chuyển lên BV Nhi trung ương. Nằm ở đó được 1 tháng thì thẻ hết hạn BHYT, gia đình xin bệnh viện cho con chuyển tuyến xuống BV 103. Chờ kết quả, cho nằm viện được 1 tháng lại ngược về Hà Giang. Sau đó các bác sĩ bảo phải ghép phổi", chị Tâm tâm sự.

Theo Bộ trưởng Y tế, ghép phổi là một kỹ thuật khó trong ngành ghép tạng. Thành công của ca ghép phổi cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể thầy thuốc Học viện Quân y, Bệnh viện 103. Nhờ đó đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới.

“Đặc biệt, thành công của ca ghép phổi đã mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống”- Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Y tế, nhu cầu ghép tạng của Việt Nam hiện rất lớn, tuy nhiên, nguồn tạng được hiến (đặc biệt từ người chết não) vẫn còn rất ít ỏi, vì vậy, cần vận động  những ý nghĩa của việc hiến tạng.