Một tội danh về tham nhũng
Theo dự kiến từ ngày 27.2, TAND TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương, Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng GĐ Ngân hàng Đại Dương và 46 bị cáo khác trong vụ đại án kinh tế, tham nhũng xảy ra ở Ngân hàng Đại Dương. Phiên tòa dự kiến kéo dài gần một tháng.
Bị cáo Hà Văn Thắm (trái) và Nguyễn Xuân Sơn
So với các bị cáo trong vụ án này, Hà Văn Thắm là người bị truy tố về nhiều tội danh nhất, 3 tội danh. Giống như Giang Kim Đạt, Hà Văn Thắm cũng bị truy về tội danh liên quan đến tham nhũng. Tuy nhiên tội của Giang Kim Đạt là tội Tham ô tài sản, có khung hình phạt cao nhất là tử hình (bị cáo Đạt đã bị tòa sơ thẩm tuyên tử hình), còn tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà Hà Văn Thắm bị truy tố chỉ có mức án cao nhất là 15 năm.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, để huy động vốn của Tập đoàn Dầu khí (PVN) vào Ngân hàng Đại Dương do Hà Văn Thắm có cổ phần chi phối, bị cáo Thắm đã đồng ý chi tiền ngoài hợp đồng tiền gửi cho Nguyễn Xuân Sơn.
Bị cáo Thắm cùng Sơn bàn bạc, thống nhất đề ra chủ trương, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức ký hợp đồng dịch vụ “thu phí” của khách hàng, ký repo tài sản (là nghiệp vụ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay có bảo đảm và được sử dụng khá phổ biến trên thị trường tài chính) với khách hàng có nhu cầu vay vốn thông qua Công ty SBC, dẫn đến thiệt hại cho Ngân hàng Đại Dương và khách hàng gần 69 tỷ đồng.
Sẽ không quá 30 năm tù?
Vụ án này có 48 bị cáo hầu tòa, tòa sẽ triệu tập gần 600 đương sự liên quan, có hơn 40 luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa. |
Ở hành vi thứ hai của Hà Văn Thắm, cáo trạng xác định, bị cáo Thắm đã chỉ đạo và cùng Nguyễn Văn Hoàn – Phó Tổng GĐ Ngân hàng Đại Dương giải quyết cho Phạm Công Danh vay thông qua Công ty Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay và quy trình thủ tục, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Dương hơn 343,5 tỷ đồng.
Với hành vi trên Hà Văn Thắm bị truy tố theo khoản 3 Điều 179 Bộ luật hình sự tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng, với án cao nhất 20 năm tù.
Ngoài ra cáo trạng cũng xác định Hà Văn Thắm cùng 45 bị cáo khác còn phạm tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Dương tổng số tiền hơn 1.576 tỷ đồng. Tội phạm và hình phạt mà Hà Văn Thắm và 45 bị cáo bị truy tố ở tội danh này có mức án cao nhất là 20 năm tù.
Như vậy có thể thấy Hà Văn Thắm bị truy tố về nhiều tội danh nhưng trong các tội danh kể trên không có hình phạt tử hình hay chung thân.
Theo Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), theo Điều 50 của Bộ luật hình sự, quyết định hình phạt trong trường hợp bị cáo phạm nhiều tội: Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt quá 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn. Ví dụ một bị cáo bị 20 năm tù về tội A, 15 tù về tội B, 18 năm tù về tội C, tòa sẽ cộng thành hình phạt chung và không được quá 30 năm. Cách đây hơn 2 năm, Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) cũng bị tuyên phạt 30 năm tù khi cộng 4 tội danh trong cùng bản án. Mới đây trường hợp Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng cũng bị tuyên phạt 30 năm tù khi cộng 2 tội danh; Phạm Thị Bích Lương – nguyên GĐ Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội cũng bị 30 năm tù khi cộng 2 tội danh trong cùng bản án. |