Dân Việt

Những người trẻ khởi nghiệp ở quê

Lê Bình - M. Phường 02/03/2017 14:05 GMT+7
Những năm gần đây, nhiều thanh niên ở các vùng nông thôn khó khăn của tỉnh đã khởi nghiệp thành công với mô hình kinh tế trang trại để vươn lên thoát nghèo.

Sau một thời gian bôn ba ở TP. Hồ Chí Minh, anh Đặng Hồng Lĩnh trú thôn 3, xã Tiên Thọ (Tiên Phước) quay về làm ăn trên mảnh đất quê. Nhận thấy vùng đất này có nhiều tiềm năng, lợi thế của những vùng đất hoang hóa, đồi núi ít dân cư sinh sống, anh Lĩnh đem số vốn ít ỏi dành dụm được trong thời gian kiếm sống xa quê và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh mạnh dạn mở trang trại nuôi heo, gà và trồng keo. Những ngày đầu, gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng sự quyết tâm anh tìm cách học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, tra cứu thông tin trên mạng để dần dần khắc phục được dịch bệnh. Sau đó, được sự động viên của mọi người, anh mạnh dạn vay mượn thêm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu động để mở rộng trang trại. Đến nay, trang trại của anh có hơn 50 con heo thịt, 5 con heo nái, 1.000 con gà, 5 con bò và vài héc ta keo. Năm vừa rồi, xuất chuồng heo, gà, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi hàng chục triệu đồng. “Tôi mong có thêm nguồn vốn để mở rộng trang trại, làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho một số người dân xung quanh” - anh Lĩnh tâm sự.

img

Anh Đặng Hồng Lĩnh chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình. Ảnh: M. PHƯỜNG

Cũng tự vươn lên thoát nghèo trên mảnh đất quê là trường hợp anh Phan Văn Cư ở  xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh  tận dụng diện tích đất vườn của gia đình để chăn nuôi. Anh tìm hiểu và nhận thấy mô hình nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại ít tốn công chăm sóc, khá phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình. Ban đầu anh “thử nghề” nên mua 5 con làm giống. Sau một thời gian, anh mạnh dạn vay mượn của bà con 70 triệu đồng đầu tư nuôi đàn thỏ. Đến nay, số lượng thỏ phát triển đến hơn 400 con. Chia sẻ về quá trình nuôi thỏ, anh Cư cho biết, nuôi thỏ phải chú ý quan sát quá trình sinh trưởng của thỏ để tiêm vắc xin phòng các bệnh. Việc vệ sinh chuồng trại cũng rất quan trọng, luôn đảm bảo sạch sẽ để thỏ được khỏe mạnh. Thỏ phát triển rất nhanh, mỗi năm thỏ mẹ có thể đẻ 6 - 7 lứa, mỗi lứa 7 - 8 con. Sau 2 - 3 tháng, thỏ có thể đạt trọng lượng 1,8kg - 2kg. Hiện nay, mỗi ký thịt thỏ có giá 75 - 80 nghìn đồng. Ngoài chăn nuôi thỏ, anh Cư còn mở đại lý bột cám cho nhiều chủ hộ nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn xã. Thời gian tới, anh dự định mở rộng trang trại để nuôi heo và gà thả đồi.

Đó là hai trong nhiều tấm gương thanh niên bám quê, quyết tâm lập nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê.