Dân Việt

Là danh hài thì có "đặc quyền" được chửi tục trên truyền hình?

Hà My (tổng hợp) 27/02/2017 12:45 GMT+7
Thử thách danh hài, Giọng ải giọng ai ... phát sóng trên truyền hình quốc gia đang bị lên án vì liên tiếp dính phải "nạn" nói tục.

Mới đây, tối ngày 22.2 trong gameshow Thử thách danh hài mùa thứ 2, thí sinh Tấn Lợi đã sử dụng một từ ngữ lệch chuẩn trong khuôn khổ phần thi của mình, điều đặc biệt là không những không bị bất kỳ sự phản ứng nào của giám khảo, ngược lại Tấn Lợi còn vượt qua vòng cuối cùng để giành giải 150 triệu đồng. Quyết định này của Trấn Thành và Trường Giang đã vấp phải sự phản ứng kịch liệt từ khán giả theo dõi qua sóng truyền hình. Nhiều người cho rằng đây là một trò đùa vượt quá quy chuẩn của một chương trình được phát sóng toàn quốc.

img

Trấn Thành vấp phải sự phản ứng khá gay gắt của khán giả chương trình Thử thách danh hài

Trên thế giới, không ít có những danh hài nổi tiếng sử dụng các câu chữ tục tĩu, hoặc chủ động mang những việc "thầm kín", các vấn đề nhạy cảm về tôn giáo, chủng tộc, giới tính... ra để làm trò đùa, phục vụ cho các tiết mục diễn xuất. Ví dụ như danh hài nói tiếng bụng Jeff Dunham với con rối Achmed nổi tiếng hay Kevin Hart danh hài độc thoại thường xuyên văng tục trong các chương trình của mình...

Tuy nhiên, tất cả những chương trình của các danh hài này đều phải được kiểm duyệt khi phát sóng trên truyền hình, ngoài ra, các show diễn của họ đều chỉ dành cho các khán giả trên 18 tuổi. Việc kiểm soát này có lợi cho cả nghệ sĩ và khán giả, khi nghệ sĩ  chỉ việc tập trung cho công việc của mình, còn khán giả thì có thể lựa chọn được các chương trình mà họ muốn xem nhưng lại có thể chặn đứng những trò đùa "bẩn" (dark joke) có ảnh hưởng tới con cái của họ.

img

Jeff Dunham và chú rối xương khô Achmed nổi tiếng 

Càng ngày trên sóng truyền hình hoặc các show diễn hài càng có nhiều đất diễn, bởi nhu cầu xem hài của khán giả là rất lớn. Các danh hài có tiếng như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang ... đều được hưởng số tiền cát - xê rất cao, tần số xuất hiện trên sóng truyền hình hoặc tại các show diễn tỉnh dày đặc, "quyền lực" của họ trong giới showbiz cũng vì thế mà tăng rất cao. Tuy nhiên, chất lượng của các chương trình hài thì lại có chiều hướng đi xuống và xuất hiện nhiều chiêu trò khá "thô".

Từ Ơn giời, cậu đây rồi đến Thách thức danh hài hay Danh hài đất Việt và cả những chương trình không hề hài chút nào như Cuộc đua kỳ thú, Giọng ải giọng ai cũng dính vào "nạn" nói tục. Trong đêm gala Thách thức danh hài, giám khảo Trấn Thành vô tư đem những ngôn ngữ "hàng chợ" như “kệ bà nó”, gọi thí sinh bằng “mày”… nói với thí sinh.

img

Các chương trình gameshow truyền hình liên tục dính phải các vụ lùm xùm văng tục trên sóng

Vẫn biết khi xem hài, khán giả thường phải dễ tính một chút thì mới có thể cảm nhận được cái chất "hài" của nhiều nghệ sĩ. Tuy nhiên, việc trẻ em có thể tiếp xúc và học theo từ các chương trình hài trên truyền hình này là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt việc xuất hiện trên sóng truyền hình toàn quốc thì đáng lẽ những chương trình này phải tuân theo một khuôn khổ và chuẩn mực nhất định.

Dường như các chương trình này đang bị khai thác quá "lố" yếu tố "hài bẩn"  và thiếu sự kiểm soát từ các cơ quan chức năng. Nếu những hiện tượng như văng tục trên truyền hình dần trở thành đặc quyền riêng của các danh hài, thì liệu kênh sóng truyền hình quốc gia có còn phù hợp với khán giả  mọi lứa tuổi hay không?