Theo ông Lê Văn Cang (52 tuổi, ủy viên BCH Hội cựu chiến binh xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân), thời gian qua, người dân và nhiều người buôn heo từ nơi khác mang xác heo chết vứt dọc đường gây ô nhiễm môi trường. Người dân địa phương cho biết xác heo chết được vứt vào ban đêm hoặc nơi vắng người.
Xác heo chết vứt ven đường được người dân xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) mang đi đốt. Ảnh: Dũ Tuấn
“Chiều 22.2, thấy hôi quá tôi chịu không nổi nên gom hơn 10 xác heo chết tại dọc tuyến đường ĐT 630 nằm ở địa phận giáp ranh giữa xã Ân Tường Tây và xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) để đốt. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý những người vi phạm để bảo vệ môi trường”- ông Cang cho hay.
Ngày 27.2, ông Võ Trọng Thu - Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) cho biết: “Sau khi báo thông tin, chúng tôi đã huy động người dân chôn lấp và xử lý xong hết. Cái này chỉ mang tính chất cục bộ chứ không phải chết do dịch bệnh. Một số người buôn bán heo thấy heo bị bệnh chết nên họ vứt bỏ bừa bãi. Xã luôn quan tâm vấn đề này, cử lực lượng kiểm tra nếu bắt được sẽ xử phạt hành chính. Thời gian tới, chúng tôi sẽ giao từng đoạn đường cho từng thôn, mỗi thôn quy hoạch 1 điểm xử lý”.
Lo sợ ô nhiễm, người dân huyện Hoài Ân chất rác thành đống để đốt. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo ông Nguyễn Thanh Vương - Trạm trưởng Trạm thú y huyện Hoài Ân (Bình Định), nguyên nhân heo chết là do bệnh thông thường, người nuôi chăm sóc yếu chứ không hề có dịch bệnh (?!).
“Việc vứt xác heo chết bừa bãi là do nhận thức của một số hộ dân, họ nghĩ rằng heo chết mà mang đi chôn là nuôi không được nên họ vứt ở đoạn đường trống. Huyện đã làm nhiều cách, yêu cầu xã tuyên truyền hướng dẫn kiểm tra, xử lý. Sắp tới, ngành chuyên môn sẽ cam kết với các hộ chăn nuôi bảo vệ môi trường, nếu phát hiện vứt xác heo bừa bãi sẽ xử lý và giao cho xã kiểm tra, giám sát để hạn chế vấn đề vứt xác heo gây ô nhiễm môi trường”- ông Vương cho biết.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Lê Hồng Chiêm- Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hoài Ân (Bình Định) cho hay: “Vừa rồi, trong các cuộc họp chúng tôi đã nhắc nhở rất nhiều. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc để 2 xã Ân Đức (xã nông thôn mới) và Ân Tường Tây vận động người dân, thu gom và không xả rác bừa bãi, giao cho UBND xã vận động tuyên truyền để người dân bảo vệ môi trường. Đồng thời, nếu phát hiện người nào vi phạm thì xử lý theo luật môi trường, nhưng thực ra khó phát hiện”.
Trước đó, ngày 23.2, báo Dân Việt đã phản ánh tình trạng xác heo thối rữa, bốc mùi hôi thối nồng nặc… gây ô nhiễm môi trường sống nhiều người dân tại các xã Ân Tường Tây, Ân Đức… (huyện Hoài Ân, Bình Định). Hiện nay, chính quyền địa phương đã huy động người dân chôn lấp để đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.
Thu gom 35 tấn xác súc vật chết, nội tạng gia súc… nổi trên sông Chiều 25.2, ông Nguyễn Chí Công - Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết: “Từ ngày 2.2, dọc bờ sông Lại Giang tại xã Hoài Đức xuất hiện khoảng 35 tấn xác súc vật chết và nội tạng giết mổ gia súc, gia cầm trôi nổi từ hướng sông Kim Sơn (huyện Hoài Ân) trôi dạt xuống. Xác các súc vật này đang trong quá trình phân hủy nên bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đến 25.2, đơn vị chức năng đã thu gom và xử lý cơ bản xong trên 35 tấn xác súc vật chết và nội tạng gia súc, gia cầm với tổng chi phí trên 100.000.000 đồng. Bên cạnh đó, phun thuốc khử trùng tiêu độc tại khu dân cư bị ảnh hưởng”. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ông Nguyễn Chí Công đã có văn báo cáo gởi UBND tỉnh Bình Định về hướng xử lý. Theo văn bản này, việc súc vật chết và phụ phẩm giết mổ trôi nổi từ hướng sông Kim Sơn chảy về sông Lại Giang có thể do các gia trại hoặc trang trại chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn huyện Hoài Ân gây ra. Vì vậy, UBND huyện Hoài Nhơn đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND huyện Hoài Ân tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vứt xác súc vật chết, chất thải ra môi trường theo quy định của pháp luật. Liên quan đến vấn đề trên, theo lãnh đạo Trạm thú y huyện Hoài Ân, sau đợt lũ cuối năm 2016 thì heo bị tiêu chảy, sảy thai, ho… và thực tế xuất hiện tình trạng heo chết. Thế nhưng, trên địa bàn huyện Hoài Ân không có dịch bệnh nên xác heo tấp ở huyện Hoài Nhơn là rất nhiều nguồn gốc chứ không phải riêng huyện Hoài Ân (?!). “Ở Hoài Ân không có dịch, nếu người dân ở đây thả xác heo xuống sông thì không đủ sức để trôi xuống đó đâu. Chưa rõ xác heo chết tại Hoài Nhơn là của người dân Bình Định hay các ô tô từ nơi khác chở đến đổ nữa nên nhiều nguồn lắm. Đặc biệt, người dân Hoài Nhơn, An Lão… cũng nuôi heo nên vừa rồi lãnh đạo huyện Hoài Ân đã phản ứng rất gay gắt chuyện đổ thừa xác heo chết nghi là từ huyện Hoài Ân”- ông Nguyễn Văn Hòa- Phó phòng NNPTNT huyện Hoài Ân (Bình Định) cho biết. |