Tôi chỉ vô tìm được thông tin về Henry Nguyễn trong một lần mày mò trên trang thông tin bóng đá phổ biến Transfermarkt. Cái tên Henry Nguyễn hiện ra kèm theo dòng chữ “Helsinki IFK”.
Thực sự mà nói đấy không phải một tiêu đề quá ấn tượng có thể khiến bạn bị thu hút. Bởi Phần Lan lâu nay vẫn chưa phải là nền bóng đá quá nổi bật tại Châu Âu. Nhưng khi tiếp xúc với Henry, bạn sẽ có nhiều điều thú vị về chàng trai 18 tuổi này.
Henry Nguyễn.
Câu chuyện của chàng trai U20 Helsinki IFK
Cha mẹ của Henry đến từ Hải Phòng và họ đã sống tại Phần Lan được 31 năm. Cậu bé sinh ra và lớn lên ở Helsinki. Nhưng lần gần nhất cậu trở về Việt Nam đã diễn ra cách đây 15 năm. Tính đến năm nay, Henry đã chơi mùa thứ hai tại Helsinki IFK. Cậu đồng thời cũng là thủ quân của đội U20 CLB này và đôi ba lần được triệu tập vào đội tuyển U19 Phần Lan.
Màn trình diễn ấn tượng trên sân cỏ không khiến Henry xa rời việc học tập. Nhờ thành tích tốt trên ghế nhà trường, cậu đã được tìm được một học bổng toàn phần tại xứ sở cờ hoa. Thậm chí, đích thân ông HLV trưởng CLB bóng đá Trường Đại học California State, Bakersfield (CSUB) đã sang tận Phần Lan để mời Henry Nguyễn sang Mỹ thi đấu (CSUB chỉ là một trong số nhiều trường chào mời Henry).
Đó là một điều kiện không thể lý tưởng hơn mà Henry và gia đình có thể nghĩ tới. Họ không phải cáng đáng một khoản tiền quá lớn và đồng thời công việc học hành lẫn giấc mơ bóng đá vẫn được đảm bảo song hành.
Helsinki IFK muốn giữ Henry ở lại, nhưng cậu bé cho biết Phần Lan không phải là mảnh đất lý tưởng để phát triển nghiệp bóng đá. Cuộc sống vốn dĩ là không thể chờ đợi và tháng 8 tới đây, cậu bé có thể nói được 5 thứ tiếng khác nhau, sẽ rời khỏi xứ sở nơi mình đã sống được 19 năm để tìm đến đất nước của những giấc mơ.
Henry bảo rằng cậu biết Lee Nguyễn và ước mơ sẽ đi theo con đường của tiền vệ sinh năm 1986. Đó là giấc mơ được chơi bóng tại MLS – giải đấu có cấp độ cao nhất tại Mỹ.
Thử sức tại Việt Nam, tại sao không?
Tôi có đề cập đến sự kiện đội U20 Việt Nam sẽ được dự Giải U20 Thế Giới tổ chức tại Hàn Quốc hè này và bất chợt đặt câu hỏi “Nếu nhận được lời mời từ Liên Đoàn, em có muốn thử sức?”.
Henry đồng ý không một chút ngần ngại. Nhưng cậu bé cũng chuyển tới tôi hai nỗi băn khoăn. Một là em đang giữ quốc tịch Phần Lan. Hai là chuyện học hành vì năm nay cậu sẽ thi tốt nghiệp và tháng 8 thì chuyển sang Mỹ.
Thật là lạ, trước giờ trò chuyện với giới cầu thủ, có lẽ rất hiếm người nào lại quan trọng việc học ngang ngửa với việc đá bóng như Henry Nguyễn. Câu chuyện của cậu bé dân Helsinki khiến tôi nhớ lại cách đây tầm 7 năm, cũng vào thời gian này, tôi có cơ hội được trò chuyện với một cậu 18 tuổi khác. Lúc đó cậu ta còn nhỏ, chỉ chơi cho đội hình B và thậm chí vẫn còn theo đuổi các lớp học giống Henry bây giờ. Đó là Mạc Hồng Quân – người khi đó đang khoác áo Sparta Praha B.
Tôi nghĩ Henry Nguyễn và Hồng Quân giống nhau ở cách trò chuyện. Giản dị, gần gũi, lịch sự và đầy khát khao. Cuộc sống nó cuốn con người ta đi. Quân trở về Việt Nam sau đó ít năm và có một chút thành công trong sự nghiệp. Nhưng tôi nghĩ cậu ấy có thể làm được nhiều hơn thế nếu chuyên tâm hơn vào nghiệp đá bóng.
Henry Nguyễn thì đam mê bóng đá, nhưng không muốn rời bỏ việc học hành. Cậu khước từ cơ hội chơi chuyên nghiệp tại nơi mình sinh ra để chọn Mỹ và tiếp tục con đường.
Tôi không phải là một nhà chuyên môn để có những đánh giá chính xác về Henry Nguyễn. Nhưng tôi hy vọng rằng những cậu bé như Henry – những cầu thủ gốc Việt trên toàn Châu Âu, ngày nào đó sẽ có cơ hội được trở về và chơi bóng cho ĐTQG hoặc các cấp độ trẻ khác nhau, giống như Mạc Hồng Quân hay Michal Nguyễn chẳng hạn.
Họ là người Việt. Dòng máu Việt chảy rần rật trong cơ thể họ. Họ cũng xứng đáng được cạnh tranh sòng phẳng cùng những người con của Tổ Quốc mình chứ!?